Bỏ xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh: Quy định hợp lý

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc bỏ quy định xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh là hợp lý. Bởi, dịch bệnh đã giảm trên toàn cầu.

Việc dừng quy định xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh được cho là cần thiết. Ảnh minh họa.
Việc dừng quy định xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh được cho là cần thiết. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, giá trị của xét nghiệm Covid rất hạn chế khi test nhanh chỉ có hiệu lực trong 24 giờ, còn PCR là 72 giờ.

Nguy cơ thấp

Ngày 13/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký công điện về việc tạm dừng yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh Việt Nam. Cụ thể, để bảo đảm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam từ 00 giờ ngày 15/5.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo dừng thực hiện khai báo y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 27/4. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành ngày 15/3, người nhập cảnh vào Việt Nam cần có xét nghiệm âm tính trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/

RT-LAMP, hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh. Khi nhập cảnh chỉ cần khai báo y tế, không cần xét nghiệm lại, không cần cách ly.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đinh Vạn Trung - nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Quân đội 108 - cho biết, quyết định không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với nguời nhập cảnh là hoàn toàn hợp lý.

Theo PGS Trung, hiện nay, số ca mắc Covid-19 đã giảm sâu. Đặc biệt, đại dịch đã khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn. Do đó, việc kích cầu du lịch, thu hút khách quốc tế, nhằm thúc đẩy nền kinh tế là vô cùng cần thiết.

Theo PGS Trung, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 khi không yêu cầu xét nghiệm người nhập cảnh là không cao. Bởi, hiện nay, nhiều quốc gia cũng đã áp dụng cách làm này. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, điều quan trọng là người dân không nên chủ quan.

“Người dân cần luôn duy trì ý thức phòng bệnh. Bởi, dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Người dân cần theo dõi sức khỏe. Khi mắc Covid-19, cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế dành cho F0”, PGS Trung khuyến cáo.

Chìa khóa thành công hậu Covid-19

Hiện nay, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Pháp, Ireland, Maldives... đã tạm dừng thực hiện yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Tại Đông Nam Á, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng dần bỏ quy định này.

Cụ thể, Singapore dừng xét nghiệm từ 26/4. Thái Lan bỏ quy định xét nghiệm PCR với người nhập cảnh từ tháng 5, chỉ cần test nhanh tại sân bay. Philippines đầu tháng 4 cũng nới lỏng các hạn chế nhập cảnh. Khách du lịch có thể sử dụng kết quả test nhanh âm tính, thay vì PCR khi đi lại.

Indonesia ngày 4/4 quyết định bỏ một phần quy định xét nghiệm Covid-19 đối với người đã tiêm chủng đầy đủ. Du khách cần có chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - chia sẻ, hiện nay, rất ít quốc gia yêu cầu xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh. Lý giải về cách làm này, chuyên gia cho biết, có hai lý do chính. Nguyên nhân đầu tiên là vì dịch bệnh đã giảm trên toàn cầu.

Trong khi đó, số quốc gia áp dụng chính sách “zero Covid-19” tương đối ít. Một lý do khác là về mặt khoa học, giá trị của test Covid rất hạn chế trong giai đoạn này. Bởi, 24 giờ đồng hồ với test nhanh và 72 giờ với PCR hoàn toàn chỉ để tham khảo.

Theo PGS Hiếu, trước đó, quy định test Covid-19 trước khi nhập cảnh làm khó cho người dân và khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, chuyên gia nhận định, việc dừng quy định này là cần thiết để trở về cuộc sống bình thường.

“Nếu dịch bùng phát với các biến chủng mới, chúng ta lại áp dụng biện pháp mới. Áp dụng chính sách kịp thời và phù hợp là chìa khóa thành công giai đoạn hậu Covid ở mọi quốc gia trên thế giới”, PGS Hiếu cho biết.

Cũng theo ông, cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa. Bởi, nếu Covid-19 bùng phát trở lại, Việt Nam đã đủ kinh nghiệm để biết lúc nào công bố đại dịch và có những biện pháp cần thiết.

Trong bối cảnh số ca mắc giảm, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy tiêm vắc-xin. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành lên kế hoạch tiêm vắc-xin mũi 4 muộn nhất trước ngày 25/5. Tính đến ngày 14/5, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là hơn 216 triệu. Trong đó, 2,3 triệu liều đã được tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi.

Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm trong nước là hơn 10,6 triệu. Trong đó, hơn 9,3 triệu đã được công bố khỏi. Hà Nội và TPHCM là hai tỉnh ghi nhận số nhiễm tích lũy cao nhất trong đại dịch. Bộ Y tế đánh giá, Covid-19 được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường trên thế giới.

Tuần qua, số ca mắc Covid-19 tại nước ta tiếp tục giảm sâu. Trong đó, chỉ ngày 12/5 ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 mới là 3.949 trường hợp. Những ngày còn lại, số ca mắc đều dưới 3.000 ca. Thậm chí, ngày 14/5 và ngày 15/5 ghi nhận dưới 2.000 trường hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.