'Bỏ túi' bí quyết ôn Lịch sử hiệu quả giai đoạn nước rút

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian này để ôn Lịch sử hiệu quả, học sinh không nên học tràn lan, cần xác định cấu trúc đề thi và có chiến lược ôn tập phù hợp.

Học sinh nỗ lực ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
Học sinh nỗ lực ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Xác định cấu trúc đề thi

Cô Vi Thị Thu Hồng, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An (Nghệ An) cho biết, giai đoạn “nước rút”, học sinh cần nắm chắc cấu trúc đề để có kế hoạch ôn thi hiệu quả.

Cấu trúc đề thi vẫn như mọi năm bao gồm 40 câu hỏi. Trong đó, có 36 câu nằm trong chương trình môn Lịch sử lớp 12 và 04 câu hỏi nằm ở chương trình lớp 11. Theo đề thi minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, mức độ câu hỏi được phân hóa như sau: 20 câu hỏi nhận biết (chiếm tỉ lệ 50%); 10 câu thông hiểu (chiếm tỉ lệ 25%); 07 câu vận dụng (chiếm tỉ lệ 12,5%) và 03 câu vận dụng cao ( chiếm tỉ lệ 7,5%).

Cô Hồng cũng cho biết, 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu tập trung vào phần lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000.

“Các câu hỏi đều là những kiến thức cơ bản và có sự tương đồng với đề tốt nghiệp THPT 2020 về cấu trúc. Trong đó, 25% câu hỏi thuộc phần kiến thức trên 7 điểm, trải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, không có câu hỏi lịch sử thế giới thuộc phần này.

Dạng bài so sánh chiếm tỉ lệ lớn (4/40 câu), ngoài ra dạng bài liên chuyên đề cũng xuất hiện nhiều như liên hệ kiến thức lịch sử thế giới – lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét, tổng kết cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng, tiêu biểu” cô Hồng phân tích.

Theo cô Hồng, với dạng đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt từ 6 đến 7 điểm; học sinh khá đạt từ 7 đến 8 điểm; học sinh giỏi đạt từ 8 đến 9 điểm. Tuy nhiên, để đạt điểm 10, học sinh cần phải có lực học tốt, kiến thức chắc, kỹ năng nhanh và tâm lí ổn định.

Ôn tập phù hợp theo khả năng

Cô Vi Thị Thu Hồng, tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An
Cô Vi Thị Thu Hồng, tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An

Cô Hồng chia sẻ, học sinh có thể kiểm tra năng lực bằng cách làm bài thi thử, đồng thời xin ý kiến nhận xét của giáo viên. Từ đó, xây dựng kế hoạch ôn thi phù hợp với năng lực.

“Học sinh nên ôn tập theo nhóm chủ đề để dễ ghi nhớ, kiểm tra kiến thức. Cụ thể, phân kiến thức làm 2 chủ đề lớn: Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Trong đó, Lịch sử thế giới chia làm 6 nhóm: Sự hình thành trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới 2; Liên Xô và các nước Đông Âu (1945-1991), Liên Bang Nga (1991-2000); Các nước Á, Phi, Mĩ La-tinh (1945 - 2000); Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000); Quan hệ quốc tế (1945 - 2000); Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa.

Lịch sử Việt Nam ôn tập theo từng giai đoạn: giai đoạn 1 (từ năm 1958 đến 1918); giai đoạn 2 ( từ năm 1919 đến 1930); giai đoạn 3 (từ năm 1930 đến 1945); giai đoạn 4 (từ năm 1945 đến 1954); giai đoạn 5 (từ năm 1954 đến 1975); giai đoạn 6 (từ năm 1975 đến 2000)”, cô Hồng gợi ý.

Cô Hồng lưu ý, mỗi nhóm chủ đề học sinh cần nắm được kiến thức trọng tâm. Tùy vào năng lực mà lựa chọn phương pháp ôn thi phù hợp.

Cụ thể, nhóm học sinh yếu, trung bình muốn đạt từ 3 đến 6,5 điểm cần tập trung học các câu hỏi về kiến thức, kỹ năng ở mức độ nhận biết và thông hiểu.

“ Thời điểm này, học sinh nên hệ thống hóa kiến thức cơ bản bằng sơ đồ tư duy. Sau đó, vận dụng làm các câu hỏi trắc nghiệm cho nhuần nhuyễn. Đồng thời, rèn luyện kỹ năng phản xạ để có tâm lý, tinh thần vững vàng và tự tin trước kỳ thi tốt nghiệp THPT”, cô Hồng nhấn mạnh.

Với nhóm học sinh khá, giỏi mong muốn đạt từ 7 đến 10 điểm, ngoài kiến thức cơ bản, cần luyện tập trả lời các câu hỏi ở mức độ vận dụng (bao gồm vận dụng và vận dụng cao).

Ngoài ra, chú trọng rèn luyện kỹ năng khái quát, xâu chuỗi các sự kiện và tìm ra mối liên hệ tương tác, biện chứng giữa hai phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam trong từng hoàn cảnh cụ thể. Qua đó, tìm nét tương đồng và điểm khác biệt để so sánh các vấn đề, sự kiện lịch sử.

Học sinh có thể “bỏ túi” những bí quyết làm bài thi điểm cao như: học cách phân tích và xử lý nhanh; đọc yêu cầu câu hỏi, tìm từ khóa và khoanh tròn để dễ lựa chọn phương án trả lời; phân biệt các loại câu hỏi thường gặp để có phương án trả lời phù hợp với từng dạng…

Một số dạng câu hỏi thường gặp:

- Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn phương án trả lời đúng.

- Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải hoàn thành câu bằng hình thức điền vào ô trống.

- Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải kết nối đúng hoặc sắp xếp đúng trật tự logic của các sự kiện, hiện tượng lịch sử theo cách: sự kiện nào có trước; sự kiện nào quyết định sự kiện nào; sự kiện nào là nguyên nhân; sự kiện nào là hệ quả...

- Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu một đoạn văn bản.

- Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải lựa chọn ý phủ định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ