Chiều 11/11, sau phiên đăng đàn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Đây là lần đầu tiên nữ Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn trước Quốc hội kể từ khi nhậm chức.
Bà Đào Hồng Lan trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, gồm: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua Bộ đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Y tế.
Bộ cũng tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành, xây dựng các dự luật trình Quốc hội, trình Chính phủ, Thủ tướng, ban hành các chiến lược, chương trình, kế hoạch, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn của ngành.
Trong đó, có thể kể đến như tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, mua sắm đấu thầu thuốc, vaccine, vật tư y tế, bảo hiểm y tế, chế độ chính sách cho nhân viên y tế.
Bộ cũng quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, phục vụ khám bệnh, chữa bệnh khắc phục tồn tại, giảm phiền hà, tăng cường công khai, minh bạch, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, quỹ Bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao phó.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) nêu thực trạng bác sĩ sau khi được đào tạo theo địa chỉ không công tác theo sự phân công hoặc công tác không đủ thời gian, sẵn sàng bồi hoàn kinh phí để chuyển sang bệnh viện tư.
"Một số lãnh đạo địa phương đề nghị xử lý hành vi này. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào và giải pháp cho thực trạng này là gì?", đại biểu Yến Nhi chất vấn.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm 2022, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc trở nên nghiêm trọng khi con số lên tới gần 9.000 người. Để giải quyết, Bộ Y tế đã và đang tích cực triển khai các giải pháp.
Trong đó, tập trung vào việc sửa đổi Nghị định 56 về chế độ phụ cấp ưu đãi và Nghị định về tiền trực, chế độ nhân viên y tế thôn bản. Các địa phương cũng đang ráo riết đánh giá tình hình sử dụng nhân viên y tế công lập.
Theo bà Đào Hồng Lan, nhân viên y tế công lập đang chiếm tới 95% lực lượng phục vụ người dân, đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, nếu không có những chính sách phù hợp và giải pháp hiệu quả, việc thu hút và giữ chân nhân viên y tế sẽ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng chảy máu nhân tài sang các cơ sở y tế tư nhân.