Thể hiện trách nhiệm với xã hội
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Hội nghị nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học hiểu rõ hơn về những quy định trong Quy chế tuyển sinh 2020; từ đó thống nhất hành động, tạo hiệu ứng tốt về công tác tuyển sinh và có kế thừa của năm 2019. Đồng thời thống nhất nhận thức và hành động thực hiện tốt kỳ tuyển sinh năm 2020.
Theo Bộ trưởng, năm 2020, ngành Giáo dục bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều hành năm học phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, các nhà trường đã nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức GD-ĐT từ xa (đào tạo trực tuyến, dạy học trên truyền hình) rất linh hoạt. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học". Cho đến thời điểm này, kết quả đã khả thi và được Thủ tướng Chính phủ biểu dương.
Theo Bộ trưởng, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng là những cơ sở tập trung trí tuệ cao nhất và nguồn lực chất lượng cao của cả nước. Đứng trước những khó khăn mà đất nước đang gặp phải, với trách nhiệm là những đơn vị nghiên cứu, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội và doanh nghiệp, các trường cần có trách nhiệm đối với những giải pháp của Chính phủ. Qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho chính mình.
Trong khó khăn chung, các trường đại học đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với ngành giáo dục và xã hội. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nghiên cứu sản xuất bộ test kit, nghiên cứu robot, xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá mức độ lây nhiễm Covid-19 trong các trường đại học.
Trong khó khăn đã tạo ra cơ hội. Các trường đã điều chỉnh chương trình và phương thức dạy học. Qua thực tiễn bước đầu cho thấy phù hợp, khả thi mà điểm nhấn là áp dụng mạnh đào tạo trực tuyến. Đây không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là giải pháp quan trọng, không chỉ với các cơ sở giáo dục đại học mà với cả cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để ban hành các văn bản, trong đó có quy chế về giáo dục trực tuyến và bổ sung những văn bản liên quan đến đào tạo từ xa. Ngoài ra, Bộ đã kết nối với công ty, nhà mạng trong việc cung cấp dịch vụ để hỗ trợ các trường đào tạo trực tuyến.
Cần giữ ổn định
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học là khâu quan trọng trong cung ứng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp mạnh hay yếu phụ thuộc nhiều vào các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta không chỉ tham mưu các giải pháp để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mà họ rất cần chúng ta về cung ứng nguồn nhân lực. Đây là cơ hội để các trường kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt trong mùa tuyển sinh năm nay.
Khẳng định đầu vào chỉ là một khâu trong quy trình đào tạo, Bộ trưởng cho rằng, thay vì chúng ta bàn nhiều về môn học, tổ hợp xét tuyển thì chúng ta cần dự báo về ngành nghề và thế mạnh của từng ngành nghề để cung cấp cho thí sinh. Ngoài ra, cần chú trọng tư vấn hướng nghiệp.
Trao đổi về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho biết: Bộ đã xin ý kiến các bộ ngành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để đưa ra phương án thi THPT phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Không có phương án hoàn hảo nhưng thi tốt nghiệp THPT là phương án trong sự lựa chọn, vì vậy rất cần có sự chia sẻ. Và khi đã chốt phương án thì cố gắng làm tốt và đảm bảo tính nhất quán.
Về kỳ thi tuyển sinh riêng của một số cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng nhấn mạnh: Những trường đã đủ điều kiện tổ chức thì hãy công bố kỳ thi tuyển sinh riêng. Lộ trình tự chủ đã có, nhưng cũng phải có điều kiện, không phải muốn làm gì thì làm. Tự chủ phải có quản lý Nhà nước. Trách nhiệm của Nhà nước là định hướng để bảo đảm chất lượng và tính ổn định trong hệ thống.
Tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng phải bảo đảm chất lượng theo quy định và bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch, bình đẳng giữa các trường với nhau. Khi đã tổ chức kỳ thi riêng thì phải có bộ phận chuyên trách, cùng với nhiều điều kiện khác về nhân lực, vật lực và tổ chức… Không đơn giản nói thi là thi.
Theo Bộ trưởng, trong lúc này, đất nước rất cần sự ổn định, ngành Giáo dục phải đi đầu. Chúng ta không chỉ nghĩ đến trách nhiệm chuyên môn, mà còn phải nghĩ đến trách nhiệm chính trị, xã hội, tạo sự ổn định, niềm tin cho nhân dân để Chính phủ điều hành.
Về phương án tuyển sinh, trong bối cảnh như hiện nay, cần giữ ổn định. Vì thế, Quy chế tuyển sinh năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019. Mặc dù các trường đã tự chủ trong tuyển sinh, nhưng Bộ vẫn sẵn sàng hỗ trợ các trường để lọc ảo.
Bộ trưởng lưu ý, các trường tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ vì chất lượng điểm học bạ ở các trường và các vùng miền khác nhau. Chính vì thế phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng trên diện rộng sau 12 năm học của học sinh trên cả nước.
Nếu em nào đáp ứng chuẩn tối thiểu thì được công nhận tốt nghiệp. Trên tối thiểu là có sự phân hóa. Kỳ thi với mục đích để xét tốt nghiệp THPT, nhưng bên cạnh đó còn nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn, qua đây để ngành Giáo dục có khuyến cáo các địa phương có chính sách phù hợp.
Cũng theo Bộ trưởng, các trường cần nghiên cứu kỹ cả về cơ sở khoa học cũng như thực tiễn để có đề xuất tổ hợp xét tuyển. Trong đề án tuyển sinh, những tổ hợp truyền thống thì kế thừa, có thể đề xuất tổ hợp mới nhưng cần đánh giá kỹ nhằm đảm bảo tính khoa học. Tránh đưa ra tổ hợp xét tuyển được 1 - 2 năm rồi lại thôi.
Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng, an toàn; các trường đại học cần xắn tay vào cuộc. Có thể tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra và phối hợp nhịp nhàng với địa phương. Thanh tra không phải để tạo ra áp lực mà đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Bộ trưởng cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng đề thi vẫn có độ phân hóa. Đề thi minh họa vừa công bố đã nhận được nhiều phản hồi tốt. Trên cơ sở đó, các nhà trường có thể dạy học và ôn tập cho học sinh.