Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp xúc cử tri quận Hà Đông

GD&TĐ - Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hà Đông với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 diễn ra sáng 8/5.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hà Đông trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hà Đông trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15.

Hội nghị diễn ra tại UBND phường La Khê (quận Hà Nội) dưới sự chủ trì của các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6 thành phố Hà Nội, gồm: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Phạm Đức Ấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà.

Tại Hội nghị, đại diện cử tri 17 phường trên địa bàn quận Hà Đông đã gửi tới đại biểu Quốc hội các kiến nghị liên quan đến công tác chống tham nhũng, bổ nhiệm cán bộ, cải tạo các công trình thoát nước, cấp đất dịch vụ cho những người dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án, vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ, vấn đề xây dựng nhà ở tại khu đô thị Thanh Hà, vấn đề giáo viên công tác tại vùng khó khăn…

Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hà Đông với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15.

Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hà Đông với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đã ghi nhận đầy đủ các ý kiến để chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm trả lời, xử lý theo đúng thẩm quyền; đặc biệt là một số vấn đề lớn, được cử tri kiến nghị nhiều lần trong các kỳ tiếp xúc như vệ sinh môi trường, tái định cư, đề bù đất đai… “Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm với tư cách là đại biểu Quốc hội trong việc truyền đạt, yêu cầu, giám sát”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước ý kiến cử tri về thiếu giáo viên khu vực miền núi, Bộ trưởng cho biết đây là một thực tế mà ngành Giáo dục cùng các địa phương đang tích cực tháo gỡ. Trong đó, giải pháp đào tạo con em đồng bào, người địa phương để quay về địa phương công tác như đề xuất của cử tri cũng đã được quan tâm thực hiện. Theo đó, cả nước có hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, bồi dưỡng con em đồng bào dân tộc có đủ năng lực vào học đại học; triển khai chính sách cử tuyển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhắc tới những khó khăn khi triển khai chính sách cử tuyển, như số lượng còn khiêm tốn; có trường hợp đi học theo diện cử tuyển nhưng không quay về quê hương công tác, hoặc một số về thì chờ chỉ tiêu tuyển dụng cũng khó khăn. Việc phân bổ chỉ tiêu và tuyển dụng giáo viên không thuộc thẩm quyền của ngành Giáo dục và địa phương cũng không hoàn toàn chủ động được việc này. Trong khi đó, ngành Giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10%.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngành Giáo dục rất lưu tâm đến vấn đề này và đang kiến nghị, có nhiều giải pháp khác nhau cùng với các địa phương để xử lý, làm sao không những đủ mà còn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Nhiều vấn đề được cử tri quận Hà Đông gửi tới các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị.

Nhiều vấn đề được cử tri quận Hà Đông gửi tới các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo quận Hà Đông cũng đã có những giải trình trước cử tri các nội dung thuộc thẩm quyền, như: vấn đề giao đất dịch vụ cho người dân; nâng cấp cải tạo hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn quận; cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang; vấn đề xây dựng nhà ở trong khu đô thị Thanh Hà…

Trước phiên trao đổi, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã báo cáo cử tri dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội báo cáo kết quả trả lời cử tri của các cơ quan có thẩm quyền tại các kỳ tiếp xúc lần trước.

Ngày 25/4, đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6 thành phố Hà Nội, trong đó có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Trì và Thanh Oai (Hà Nội).

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 từ 22/5 đến 10/6. Đợt 2 từ 19/6 đến 23/6. Kỳ họp dự kiến xem xét thảo luận để biểu quyết thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến về 8 bộ luật; đồng thời trao đổi về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…

Các bộ luật dự kiến xem xét thảo luận để thông qua tại Kỳ họp này gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Một số bộ luật được thảo luận, trao đổi để tiếp tục hoàn thiện, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) - cho ý kiến lần 2; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu dân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ