Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tháo gỡ nhiều vấn đề để Giáo dục TP Hồ Chí Minh phát triển

GD&TĐ - Chiều 25/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc, phía TPHCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TPHCM.

Cùng tham dự có các Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Ngô Thị Minh, Nguyễn Hữu Độ và đại diện cục, vụ chuyên môn, văn phòng Bộ GD&ĐT…

Tháo gỡ vướng mắc

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cám ơn sự quan tâm của đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đến làm việc với TPHCM; Đồng thời mong muốn thông qua buổi làm việc, Đoàn công tác giúp tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho giáo dục của TPHCM phát triển tương xứng với vai trò của mình.

Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc.
Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc.

Trong phần phát biểu đề dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã hỏi thăm, chia sẻ với lãnh đạo và người dân thành phố sau đại dịch thời gian qua; Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý, TPHCM đang hồi phục mạnh mẽ và nhanh chóng. Trong tiến trình đó, cần có sự quan tâm, tập trung khắc phục và hạn chế tốt nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục.

“Để thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, ban hành chính sách đúng quy định và phù hợp với thực tiễn, Bộ GD&ĐT cần đi thực tế, lắng nghe, tìm hiểu trao đổi với nhiều địa phương, từ những vùng cao, sâu, xa cho đến các tỉnh, thành phố lớn của cả nước. Do dịch bệnh phức tạp thời gian qua, đến nay, Bộ mới tổ chức được cuộc làm việc với lãnh đạo TPHCM.

Trong chuyến đi này, Bộ cần tìm hiểu tình hình giáo dục đào tạo trên địa bàn TPHCM, cụ thể là các vấn đề về tình hình công tác giáo dục, đào tạo; tác động của dịch bệnh tới giáo dục, đào tạo của Thành phố; định hướng phát triển và kế hoạch phát triển thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ lớn như Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018. Chương trình có được triển khai thành công hay không phụ thuộc sự vào cuộc chủ động, quyết tâm và quyết liệt của địa phương, đặc biệt là thành phố lớn như TPHCM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng…” - Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu.

Tại buổi làm việc Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã báo cáo sơ bộ về tình hình giáo dục hiện tại của TPHCM, đồng thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị phát triển giáo dục trong thời gian tới.

Trong đó có các nội dung về tạo điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; tiêu chuẩn diện tích khu đất xây dựng trường học và diện tích sàn xây dựng; triển khai dạy học trực tuyến; tiêu chuẩn số lượng giáo viên, nhân viên tính trên số lượng học sinh toàn trường; học sinh F0 được tham gia các kỳ thi; tiêu chuẩn dành cho giáo viên dạy các môn thành phố đang thiếu khi triển khai CTGDPT 2018; thẩm định chương trình Giáo dục địa phương…

“Về đội ngũ triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, TPHCM kiến nghị, đối với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp...) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông - có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.

Đối với giáo viên môn tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp (nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc TP.Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, có thể tham gia giảng dạy tại các trường THPT theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng.

Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các trường THPT…” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trình bày.

Ưu tiên đặt mục tiêu giảm sĩ số lớp học

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi, lưu ý nhiều nội dung để giáo dục TPHCM phát triển trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ và đương nhiệm đều rất quan tâm tới GD&ĐT và có những quyết sách mạnh mẽ, thiết thực đối với giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

“TPHCM là thành phố lớn, trung tâm phát triển kinh tế lớn nhất của cả nước nên quy mô và nhu cầu giáo dục của Thành phố rất lớn, do đó cần phải có nền giáo dục tương xứng. Rất mong lãnh đạo thành phố đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa, đồng thời có các quyết sách tháo gỡ khó khăn của ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, TP có nhiều lợi thế từ nền tảng hạ tầng phát triển về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, hệ thống các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hạ tầng số, kinh nghiệm quản lý và điều hành giáo dục, phát triển xã hội hóa trong giáo dục…”,  Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nêu một số đề xuất với lãnh đạo TPHCM. Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đang đổi mới căn bản, toàn diện Chương trình GDPT 2018, đây là thách thức lớn đối với ngành Giáo dục và địa phương.

Tốc độ đổi mới diễn ra rất nhanh và có nhiều điều chỉnh sâu về nội dung, phương pháp giáo dục. Vì thế, rất mong lãnh đạo thành phố, trong giai đoạn này cần có sự quan tâm lớn, tập trung và dành nhiều nhất có thể các nguồn lực để thực hiện thành công.

Đề nghị thành phố tập trung đẩy mạnh việc xã hội hóa trong giáo dục, huy động nguồn lực cho giáo dục nói chung. Trong đó, thực hiện bình đẳng giữa hệ thống giáo dục công và hệ thống giáo dục tư, tạo điều kiệu cho hệ thống giáo dục tư phát triển. Trong đó có các vấn đề đất đai, mặt bằng, ưu tiên phát triển hệ thống trường mầm non các khu công nghiệp…

Thành phố  lưu ý phối hợp, quan tâm thích đáng đến vấn đề Quy hoạch mạng lưới hệ thống các cơ sở giáo dục cả nước và hệ thống giáo dục chuyên biệt.  Đặc biệt ưu tiên đặt mục tiêu giảm sĩ số lớp học như một mục tiêu đột phá của giáo dục TPHCM.

Cùng với việc hỗ trợ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học, thành phố cần chú ý quan tâm và xem xét đẩy mạnh công tác Đảng trong các trường đại học trong giai đoạn tự chủ đại học, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trong đó, có thể tính tới mô hình các trường năng khiếu, đặc biệt và quan tâm hơn đến giáo dục mũi nhọn.

Dịch bệnh đang được kiểm soát, thành phố cần hạn chế thấp nhất ảnh hưởng về vấn đề tâm lý, tinh thần, cần có phương án hỗ trợ và bồi đắp tâm lý, kiến thức, kỹ năng cho học sinh các cấp…

Trước buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác thăm, làm việc với Trường ĐH Văn Lang, Trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và Trường Quốc tế Bắc Mỹ thuộc Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng tại huyện Bình Chánh, TPHCM.

“Thống nhất với kết luận của Bộ trưởng và ý kiến của đoàn công tác, thay mặt Thành ủy TPHCM cám ơn Bộ trưởng và đoàn công tác đã chuẩn bị cho một một chuyến đi rất hữu ích cho TPHCM nói chung và giáo dục nói riêng. Có những lúc TPHCM đang trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh thì Bộ trưởng nhấc máy gọi thẳng cho Bí thư thành phố. Qua đánh giá tôi cảm thấy các đồng chí rất sát với giáo dục TPHCM”  - Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.