Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Dự án Làng đại học Đà Nẵng không thể chậm trễ hơn nữa

GD&TĐ - Chiều 18/3, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về định hướng phát triển GD&ĐT của địa phương và dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bài toán đầu tư và hiệu quả

Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: “Hai năm qua, tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19 nhưng ngành giáo dục địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học cũng như đảm bảo được sự an toàn cho giáo viên và học sinh. Địa phương đã và đang triển khai các dự án để đầu tư chất lượng cho GD&ĐT như xây dựng đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chính sách...”.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc. 

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho hay, năm học 2021-2022 bắt đầu trong điều kiện học sinh không thể đến trường, lễ khai giảng và việc triển khai tổ chức dạy học năm học mới phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Đội ngũ giáo viên ở Đà Nẵng đã khắc phục khó khăn, có nhiều giải pháp sáng tạo để đảm bảo chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài. Đà Nẵng đã thực hiện lộ trình mở cửa trường học, đón học sinh trở lại trường học trực tiếp bắt đầu từ 25/10/2021. Đến nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng như việc chủ động chuyển đổi hình thức trực tiếp - trực tuyến đã được các trường tiến hành có nền nếp, dần ổn định tình hình dạy - học.

 “Nguồn lực của thành phố đầu tư cho giáo dục là rất lớn nhưng làm sao để phát huy được hiệu quả là quan trọng. Trong những giai đoạn thành phố khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 thì giáo dục vẫn được đầu tư nhiều. Ngoài chính sách chung, Đà Nẵng có những hỗ trợ riêng cho giáo dục như miễn học phí, hỗ trợ cho giáo viên mầm non bị ảnh hưởng từ gói hỗ trợ của thành phố... Tuy nhiên, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì thành tựu của giáo dục Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn”, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định.

Đại diện Đại học Đà Nẵng báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về tiến độ triển khai thực hiện dự án Làng Đại học Đà Nẵng.
Đại diện Đại học Đà Nẵng báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về tiến độ triển khai thực hiện dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Giáo dục Đà Nẵng phải đặt mục tiêu chất lượng, phát triển theo chiều sâu. Trong chiến lược phát triển toàn diện của thành phố nên chú trọng đến quy hoạch phát triển giáo dục, dự báo trước nhu cầu nhân lực trong tất cả các ngành của thành phố trong trung và dài hạn”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Đà Nẵng cần sắp xếp lại hệ thống trường mầm non, tiểu học... để tính toán nguồn lực. Hệ thống trường lớp, ngoài đáp ứng nhu cầu bình thường còn tính đến phát triển giáo dục mũi nhọn, tài năng, năng khiếu.  Giáo dục tài năng, mũi nhọn của Đà Nẵng hiện vẫn còn mờ nhạt.

Trong quy hoạch phải tính đến chuẩn cao hơn mặt bằng chung. Không gian giáo dục không chỉ là trường học mà còn có cả vui chơi, giải trí của học sinh và người dân. Quy hoạch tổng thể liên quan đến hoạt động của giáo dục như bảo tàng, khu vui chơi, mạng lưới các trường đại học... Ngoài quy hoạch tổng thể, phải dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục mới có thể xứng tầm với vị thế của thành phố động lực miền Trung.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, câu chuyện xã hội hóa giáo dục không chỉ là giảm gánh nặng biên chế mà là để người dân tiếp cận giáo dục theo nhu cầu. Đà Nẵng đã làm tốt xã hội hóa ở bậc học mầm non nhưng còn các bậc học khác, các hạng mục khoa học công nghệ ở các trường đại học cũng cần phải tính đến. Phải có sự hợp tác công tư, huy động các nguồn lự đầu tư thì mới có sự đột phá được.

Đẩy nhanh tiến độ dự án Làng đại học Đà Nẵng

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án Làng đại học Đà Nẵng 110 ha. Phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho ĐH Đà Nẵng từ năm 2017 là 38,6 ha. Với diện tích còn lại gồm 71,4 ha, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40 ha.

“Đà Nẵng gần như đầu tư tuyệt đối cho dự án này. Với phần diện tích đất sạch đã bàn giao, đề nghị ĐH Đà Nẵng cần khẩn trương thi công, nếu không sẽ bị tái lấn chiếm. Việc thi công chậm trễ sẽ tạo sự bức xúc cho người dân khi phải sớm thực hiện giải tỏa nhưng đất lại không được xây dựng”, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Quảng cho rằng, Đà Nẵng xem các vấn đề liên quan đến dự án Làng đại học Đà Nẵng cũng là vấn đề chung của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

“Chỉ trong 2 năm, địa phương đã giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến dự án bằng thời gian của 20 năm qua. Thành phố đã thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư. Đây là việc làm chưa từng có và cũng không có trong các luật liên quan. Nhưng nhờ vậy, đã giải quyết được câu chuyện “con gà – quả trứng” để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”, ông Quảng chia sẻ.

Công trình tòa nhà làm việc của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tại Làng đại học Đà Nẵng.
Công trình tòa nhà làm việc của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tại Làng đại học Đà Nẵng. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, không thể chậm trễ hơn nữa với dự án Làng đại học Đà Nẵng. Bộ trưởng mong muốn Đà Nẵng hỗ trợ một số hạng mục có liên quan đến Dự án này. Thành phố cũng phải tính đến hạ tầng làm sao đáp ứng được những dịch vụ có liên quan cho hàng ngàn sinh viên khi quy mô của ĐH Đà Nẵng được mở rộng.

Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hải Châu đề xuất, Bộ GĐ&ĐT sớm chỉ đạo các trường đại học sư phạm triển khai việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thực tế, tại các trường khi triển khai chương trình - SGK lớp 6, việc phân chia thời khóa biểu các môn học trên thì rất vướng.  Gần như cách tổ chức hiện nay là dạy ghép môn chứ chưa đúng tinh thần đổi mới của chương trình GDPT mới. Vì vậy, đội ngũ giáo viên dạy các môn học mới cần được bồi dưỡng kỹ và sâu. Để từ đó dạy bộ môn này theo đúng tinh thần đổi mới của chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ