Bộ trưởng Ngoại giao nói về giải cứu công dân bị lừa sang lao động ở nước ngoài

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, sẽ tiếp tục công tác bảo hộ công dân, giải cứu hết số công dân bị cưỡng bức lao động ở nước ngoài...

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.

Chiều 18/3, phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phần chất vấn thành viên Chính phủ.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ đã triển khai các biện pháp gì để nhằm bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các địa bàn xảy ra xung đột trong thời gian vừa qua? Những khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua xung đột xảy ra rất nhiều nơi và khó lường. Tại xung đột ở dải Gaza, chúng ta có khoảng 700 công dân ở Israel, với 500 người định cư lâu dài, 200 người sang học tập.

"Vừa qua đã sơ tán ngay các gia đình về chỗ an toàn, mọi việc đều tốt. Hoặc ở Nga - Ukraine, chúng ta có 7.000 công dân, vừa qua, cả 7.000 công dân đã được sơ tán đến nơi an toàn, trong đó 2.000 người về Việt Nam. Công tác bảo hộ công dân làm rất kịp thời", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

Bộ trưởng Bộ ngoại giao thông tin, thời gian tới sẽ tập trung vào công tác dự báo tình hình, dự đoán xung đột xảy ra giữa các nước hoặc xung đột nội bộ.

Tiếp tục cảnh báo, thông tin cho các địa phương về công dân ra nước ngoài, nhất là trước những lời mời "làm việc dễ dàng, lương cao" nhưng thực ra ở Philippines, Ủy ban Chống tội phạm nước này từng phát hiện 800 công dân nước khác, trong đó có mấy chục người Việt chủ yếu tham gia sòng bạc và buôn bán tiền điện tử.

ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung chất vấn từ điểm cầu Hải Dương.

ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung chất vấn từ điểm cầu Hải Dương.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH Hải Dương) đề cập tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân về vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời, tình trạng lừa đảo, dụ dỗ trẻ vị thành niên ra nước ngoài, trở thành nạn nhân cưỡng bức lao động, bắt cóc, mua bán người tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến... diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề hết sức phức tạp.

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan, tổ chức giải cứu, đưa nhiều người về nước.

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân; hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật. Chặt đứt đường dây dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên.

Bộ sẽ chủ động hợp tác các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp, có tổ chức; ngăn chặn di cư bất hợp pháp.

Tiếp tục triển khai tổ chức công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân về nước; hợp tác các nước sở tại giải cứu hết số công dân bị cưỡng bức lao động ở nước ngoài...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.