Bộ trưởng Bộ Y tế: Tháng tới dịch tay chân miệng sẽ giảm

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tháng tới dịch tay chân miệng sẽ giảm

(GD&TD)-Chiều 25/10,  Bộ Y tế đã có buổi gặp mặt báo chí để phối hợp tuyên truyền phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi. Chủ trì buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: Việt Nam chưa cần công bố dịch tay chân miệng vào thời điểm hiện nay.

Bộ Y tế khẳng định: Chưa cần công bố dịch tay chân miệng vào thời điểm hiện tại (ảnh MH)
Bộ Y tế khẳng định: Chưa cần công bố dịch tay chân miệng vào thời điểm hiện tại (ảnh MH)

Theo số liệu của Bộ Y tế, cho tới thời điểm hiện tại, dịch tay chân miệng được ghi nhận ở 63 địa phương trên cả nước. Trong đó, 20 tỉnh, thành phố đã có ca bệnh tử vong. Đặc điểm, nguyên nhân của bệnh là do virus không vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác chống dịch chủ yếu dựa vào phòng bệnh.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 77.895 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh thành; trong đó, 137 trường hợp tử vong tại 27 tỉnh, thành phố. Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung ở miền Nam, chiếm 65,1% số mắc và 89,1% số tử vong của cả nước. Tuy nhiên từ tuần thứ 29 đến nay, số ca mắc tại miền Nam có xu hướng giảm dần, trong khi đó các ca măc tại các tỉnh, thành miền Bắc có xu hướng tăng; nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Yên Bái, Hải Dương và TP Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết từ tháng 6 đến nay, đã có 6 đoàn công tác liên ngành và 19  đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại 33 tỉnh, thành phố trọng điểm nhưng chưa địa phương nào đủ điều kiện công bố dịch tay chân miệng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định ở Việt Nam đang có dịch tay chân miệng nhưng lại cho rằng chưa cần thiết phải công bố dịch: “Chỉ một vài nghìn ca rải rác trong cả nước thì làm sao công bố dịch được. Nếu như cúm A/H1N1, cúm thường mà công luận chưa yêu cầu công bố chúng tôi đã kiểm tra rồi. Bây giờ mà công bố dịch tay chân miệng thì suốt ngày đi kiểm tra phân, kiểm tra máu của hành khách đến Việt Nam thì sao mà làm được. Lý thuyết về công bố dịch là như vậy”.

Theo Bộ trưởng Y tế, khi một địa phương, một quốc gia công bố dịch sẽ liên quan tới hoạt động của tất cả các ngành khác như giao thông vận tải, an ninh, du lịch. Nhiều nước trong khu vực, dịch bệnh tay chân miệng còn nặng hơn Việt Nam rất nhiều nhưng họ cũng chưa công bố dịch.

Tại Việt Nam, số ca mắc tay chân miệng trên 10.000 dân và số tử vong trên số trường hợp mắc bệnh thấp hơn Trung Quốc, Singapore. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, đến ngày 24/10, chưa có nước nào công bố dịch tay chân miệng.

Bộ trưởng Y tế cho biết khi chúng ta công bố dịch thì phải có hai tỉnh trở lên công bố dịch. Tỉnh công bố dịch tức là tỉnh đó không có khả năng phòng chống hay thực hiện các biện pháp phòng chống cần thiết mà ở địa phương đó, số ca mắc bệnh vẫn tăng.

Dịch tay chân miệng mặc dù đang ở mức đỉnh cao nhưng chắc chắn sẽ giảm xuống trong tháng tới, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng có hiệu quả ở Việt Nam, Bộ Y tế đã mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới về các lĩnh vực vi sinh, dịch tễ, điều trị và truyền thông tới Việt Nam để tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Cùng với đó, Bộ Y tế đã thực hiện các biện pháp tích cực phòng chống dịch bệnh tay chân miệng được các tổ chức quốc tế đánh giá tốt.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thời điểm hiện tại, cần phải tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch tay chân miệng, qua đó giúp giảm số ca mắc bệnh cũng như tình hình căng thẳng của dịch bệnh này.

Phương Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.