Bộ trưởng Bộ Y tế: Điều đội truy vết của Đà Nẵng hỗ trợ ngay Gia Lai

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, với đặc thù địa hình của tỉnh và dịch được phát hiện tại các huyện miền núi, Bộ Y tế điều động đội truy vết đã có nhiều kinh nghiệm của Đà Nẵng hỗ trợ ngay Gia Lai.

Ảnh: Bộ Y tế
Ảnh: Bộ Y tế

Tại buổi họp trực tuyến với Bộ Y tế chiều 2/2, báo cáo Bộ trưởng tại cuộc họp, ông Mai Xuân Hải, Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết, tỉnh Gia Lai phát hiện đầu tiên hai ca bệnh từ Nam Sách, Hải Dương về ở huyện Gia Lai sau đó dịch đã lan ra ba huyện. 

Tỉnh đã lấy mẫu, truy vết 1.007 trường hợp, trong đó có 373 trường hợp F1, 634 trường hợp F2 đã được ngành y tế lấy mẫu. Hiện tổng số mẫu được lấy 6.500 mẫu, trong đó có 13 trường hợp dương tính.

Về tần suất xét nghiệm, Gia Lai đạt 200 mẫu/ngày và phải nhờ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ, nâng năng lực xét nghiệm lên 700 mẫu/ngày. Dự kiến ngày 3/2 sẽ lấy hết 1.500 mẫu người nhà, bệnh nhân tại bệnh viện (300 nhân viên y tế).

TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đơn vị được Bộ Y tế điều lên Gia Lai hỗ trợ phòng chống dịch, cho hay trong các bệnh nhân COVID-19 tại đây, chỉ duy nhất một bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa, số còn lại không có biểu hiện.

Ông Chiến cũng cho hay Gia Lai đã thành lập bệnh viện điều trị COVID-19 khu vực của 4 huyện với công suất 50 giường, đưa toàn bộ bệnh nhân COVID-19 toàn tỉnh về đó. Bệnh viện này đặt tại nơi xuất hiện ca bệnh đầu tiên là nhân viên y tế làm việc ở bệnh viện gần 10 ngày. Tại đây cũng xuất hiện thêm 2 trường hợp liên quan bệnh viện.

Địa phương cũng đang tính đến phương án lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 200 giường.

Hiện đội truy vết của Gia Lai có 200 người của ngành y tế, hiện đang tích cực truy vết, bình quân truy vết được 300 - 400 trường hợp F1/ngày. Công suất xét nghiệm tại khu vực bốn huyện Viện bảo đảm được. Khi xuất hiện tình trạng BVĐK tỉnh bị phong tỏa, nếu quá tải, Viện đề nghị sẽ gửi mẫu cho một số viện Trung ương như Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.

Ngày hôm qua 1/2, có một trường hợp được phát hiện mắc Covid-19 khi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Hiện bệnh nhân được đưa vào cách ly tại BVĐK tỉnh. Do đó, tỉnh Gia Lai cũng đề nghị tiến hành phong tỏa Bệnh viện đa khoa tỉnh. 

Về tình hình dịch bệnh tại tỉnh Gia Lai, phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong các tỉnh đang có dịch, Bộ Y tế quan ngại tình hình tại Gia Lai, chỉ trong ngày 02/02/2021 tỉnh đã ghi nhận 07 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 13 trường hợp.

Bước đầu đã lấy 6.500 mẫu nhưng công suất xét nghiệm của tỉnh vẫn còn rất thấp, hiện đang được Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ. Bộ Y tế đề nghị tỉnh Gia Lai đẩy nhanh truy vết F1, khoanh vùng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm ngay cho các F1 được xác định.

Bộ Y tế điều động Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ ngay tỉnh Gia Lai thiết lập các phòng xét nghiệm tại chỗ cho địa phương, không để Gia Lai phải gửi mẫu đi các địa phương khác.

Người đứng đầu ngành y cho biết, với đặc thù địa hình của tỉnh và dịch được phát hiện tại các huyện miền núi, Bộ Y tế điều động đội truy vết đã có nhiều kinh nghiệm của Đà Nẵng hỗ trợ ngay Gia Lai. Bên cạnh đó, Bộ Y tế khuyến cáo Gia Lai nhanh chóng giải phóng bệnh viện đa khoa Gia Lai, tiêu độc, khử trùng, làm sạch để bệnh viện tiếp tục hoạt động bình thường. Thiết lập khu điều trị bệnh nhân nhiễm riêng hoặc bệnh viện dã chiến trên địa bàn ngay để thu dung và điều trị các ca nhiễm tại chỗ.

Trong cuộc họp, trao đổi về đề nghị tiến hành phong tỏa Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho hay, BVĐK tỉnh Gia Lai lớn nhất lại đóng cửa là một bài toán đặt ra với tỉnh Gia Lai. Do đó, bệnh viện cần phải cân nhắc việc cách ly toàn bộ bệnh viện. Theo đó, chỉ cần khoa cấp cứu, khám bệnh, khoa nội, trung tâm chẩn đoán hình ảnh nơi bệnh nhân đã đến khám cần cách ly.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị nơi nào bệnh nhân Covid-19 đã vào khám thì bệnh viện cần tập trung khử trùng, xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế và thực hiện cách ly tập trung. BV Chợ Rẫy sẽ giúp ngành y tế Gia Lai cũng giống như BV Bạch Mai xuống giúp Hải Dương phân luồng, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn, báo cáo tình hình điều trị.

Theo TS Khuê, những nhân viên y tế nào phải cách ly thì phải thực hiện nghiêm còn những cán bộ y tế nào mà không thuộc đối tượng này cần phải tiếp tục đi làm. Đối với bệnh viện huyện, nếu cần thiết sẽ thành lập thêm bệnh viện dã chiến để giải tỏa bệnh nhân.

Người đứng đầu ngành y tế lo lắng tình hình dịch COVID-19 tại Gia Lai, cho rằng Gia Lai cần đẩy nhanh tiến độ truy vết F1, cách ly tập trung, lấy mẫu toàn bộ F1 để xét nghiệm. Cùng với xét nghiệm, Bộ trưởng yêu cầu điều ngay Viện Pasteur TP HCM lên Gia Lai hỗ trợ nâng công suất và tốc độ xét nghiệm. Ông đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Gia Lai chuẩn bị phòng ốc, Viện Pasteur sẽ lên đây thiết lập phòng xét nghiệm tại chỗ. Ông Long cũng nhấn mạnh, không chuyển mẫu đi, tập trung xét nghiệm F1 rồi đến F2.

Đồng thời, Bộ trưởng nhận định, qua phân tích ca bệnh tại bệnh viện ở Gia Lai, hiện chưa có tình trạng lây chéo trong bệnh viện. Do đó, theo quy định, ca bệnh xuất hiện ở khoa nào thì phong tỏa khoa đó. Yêu cầu cách ly tập trung ngay các y bác sĩ có tiếp xúc với bệnh nhân, xét nghiệm; cùng đó, giải phóng, làm sạch bệnh viện như Đà Nẵng đã làm, để đưa bệnh viện hoạt động trở lại. Thực hiện xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.