Theo Bộ trưởng, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các lưu vực sông cần khắc phục. Bộ đã cố gắng kiểm soát chặt các nguồn thải. Hiện nay, chúng ta chưa thu gom được nước thải, khoảng 95% nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, nhất là nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp...
Về giải pháp và trách nhiệm, trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này...
Nhận trách nhiệm khi chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay. Đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác.
Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ. Tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ KH&CN sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.
Trước các câu hỏi chất vấn của Đại biểu Phạm Tất Thắng – đoàn Vĩnh Long; Nguyễn Anh Trí – đoàn Hà Nội; Trịnh Ngọc Phương – đoàn Tây Ninh về giải pháp xử lý tình trạng xả thải thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp và giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cấp huyện quản lý. Do thiếu vốn nên về cơ bản không có hạ tầng, hoặc hạ tầng không kết nối.
Thừa nhận tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch giám sát môi trường không khí, công bố công khai để nhân dân biết, giám sát, có giải pháp để giảm nguồn thải từ giao thông; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ khi thu hoạch...