Đây là vấn đề được Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chiều 22/10.
Cụ thể, về nguyên tắc chung, Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2019, nhưng nhấn mạnh một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Phân bổ NSTW phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn NSNN; bám sát các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Thứ 2: Bố trí ngân sách, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác có nguồn gốc từ NSNN để bảo đảm các mức chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội. Bố trí tăng ở mức hợp lý cho y tế, văn hóa thông tin, hoạt động đối ngoại, công tác hoàn thiện thể chế và phổ biến pháp luật.
Thứ 3: Bố trí ngân sách để trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn. Bố trí nguồn lực đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, dành nguồn dự phòng theo quy định để chủ động xử lý các tình huống đột xuất, cấp bách như thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tăng dự trữ quốc gia, quốc phòng-an ninh.
Thứ 4: Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cuối cùng: Bảo đảm việc phân bổ hết số kinh phí thường xuyên, vốn đầu tư phát triển được giao đúng thời hạn, hạn chế tối đa số chuyển nguồn sang năm sau.