Bộ tộc cà răng, căng tai, xăm mặt ở Việt Nam

GD&TĐ - Là một trong những tộc người có dân số ít nhất Việt Nam hiện nay, người dân tộc B’râu hiện chỉ còn hơn 100 hộ. Mặc dù là dân tộc có số dân ít ỏi, nhưng người B’râu có một bản sắc văn hóa rất độc đáo, trong đó tục xăm mặt, cà răng, căng tai được nhiều người biết đến nhất.

Bà cụ Nàng Bu đến nay đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn lưu giữ trên khuôn mặt mình phong tục cà răng, căng tai, xăm mặt.
Bà cụ Nàng Bu đến nay đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn lưu giữ trên khuôn mặt mình phong tục cà răng, căng tai, xăm mặt.

Cà răng, căng tai, xăm mặt để khỏi lạc hậu

Theo những người lớn tuổi trong làng, vào những năm của thế kỷ 20 đổ về trước, những người B’râu ở xã Bờ Y đã chọn cho mình một cách làm đẹp rất khác thường. Khi một thiếu nữ nào sắp về nhà chồng, là phải trang điểm cho mình bằng hình thức xăm mặt, cà răng, căng tai. 

Tập tục đặc sắc đó đến thế hệ sau không còn nối tiếp nhưng hiện trong làng vẫn còn một số cụ trên khuôn mặt còn nguyên vẹn xăm mặt, cà răng, căng tai .

Quan niệm của người B’râu, trai, gái đến tuổi trưởng thành mà không cà răng, căng tai, xăm mặt là “lạc hậu”, bị bộ tộc chê cười, con trai không lấy được vợ, con gái không lấy được chồng. 

Người B’râu có tục khi trưởng thành, phải chứng tỏ sự trưởng thành đó bằng việc lấy đá dưới suối cà hai hàm răng mòn sát với nướu. Khi cà, chân răng bị động nên chảy máu nhiều, hai hàm răng bị sưng khá lâu, lúc bấy giờ chỉ húp cháo loãng….

Lỗ tai trước đây đeo ngà voi, ngày nay thay bằng ống nứa.
  Lỗ tai trước đây đeo ngà voi, ngày nay thay bằng ống nứa.

Các cụ trong làng cho biết thêm, trai, gái trong làng lấy đá mài cho ngắn hai hàm răng. Việc làm này rất quan trọng với cả người con trai và con gái trong mỗi gia đình, bởi nó thể hiện “đỉnh cao” của sự hiếu thảo giữa con cái với cha mẹ. 

Sau khi bộ răng được cưa xong, người đó đã chứng tỏ được mình không phải là người ăn tham, ăn có chừng mực chứ không ăn hết phần của cha mẹ. Ngoài ra, hàm răng bị cưa ngắn còn thể hiện rằng chủ nhân của nó đã đến tuổi phải làm tất cả những công việc của một người B’râu: Từ lên rẫy làm lúa, trồng mì đến vào rừng săn voi về kéo gỗ.

Không phải lúc nào muốn cà răng thì cà mà con trai, con gái người B’râu muốn cà răng phải được sự đồng ý của già làng. Độ tuổi đến cà răng từ 4 đến 16 tuổi.

 Mỗi lần cà răng là một lần đau đớn dài ngày. Khi cà răng máu chảy nhiều để mau lành vết thương người trong nhà lấy trầu rừng xát vào răng. Tác dụng của trầu rừng sẽ làm cho lành vết thương và có một hàm răng đen bóng.

Tục cà răng đối với con gái B’râu liên quan đến quan niệm thẩm mỹ và là sự kiện đánh dấu việc xác lập vai trò và quyền lợi của cá nhân trong xã hội. Qua đó, cũng thể hiện sự giàu có và địa vị của gia đình trong tộc người. Cà răng còn là hình thức thử thách lòng dũng cảm, sức chịu đựng của cá nhân như một dạng hành xác, huấn luyện sức chịu đựng tinh thần …

Xăm mặt, cà răng, căng tai thể hiện sự giàu có

Trên khuôn mặt của các cụ trong làng như cụ Nàng Bu tuổi đã trên 100 có một điểm rất đáng chú ý là cái lỗ tai to đang đeo lúc lắc hai cái ống nứa. 

Thấy chúng tôi có vẻ chú ý đến đôi tai của cụ, cụ Nàng Bu cười nói: “Bất kì một thiếu nữ nào sắp về nhà chồng, việc đầu tiên họ làm là lấy gai nhọn xâu lỗ vào vành tai, rồi dần dần nong cho chiếc lỗ tai này rộng ra, càng to càng tốt”.

Theo các bậc cao niên trong làng thì thứ họ đeo vào vành tai không phải là những bông hoa tai làm bằng vàng, bạc, kim loại lóng lánh mà đó là đầu cái ngà của những con voi trưởng thành, được làng bắt được và cưa phần đầu để đeo vào tai. 

Việc căng lỗ tai để đeo được chiếc ngà voi đòi hỏi rất kỳ công, tốn nhiều thời gian. Người căng tai sẽ rất đau đớn, đến khi đã đạt được kích cỡ như ý thì mới hết đau.

Ngày xưa, những người B’râu thuộc giai cấp “quý tộc” thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Họ dùng hai mẩu ngà voi làm đôi bông tai kéo đôi tai dài đến tận gò má, thậm chí dài gần đến vai. Đàn ông, đàn bà dân tộc B’râu rất thích đeo bông tai ngà voi. 

Đặc biệt khi tiếp khách, đi thăm bà con, sui gia, bạn bè, lễ hội... phải đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng, thể hiện sự giàu có. Người nghèo thì đeo ống nứa, ống lồ ô được cắt cho vừa với lỗ tai. 

Trong làng giờ còn chưa đến chục cụ còn có lỗ tai khác người như thế này. Trước đây có nhiều cụ lấy ngà voi cắt gọn lại để đeo vào trong tai nhưng sau các cụ đem bán hết, giờ chỉ dùng bằng ống nứa đeo vào.

Người B"râu xăm những hình thù kỳ lạ vào mặt

Người B’râu còn có một cách làm đẹp khác là xăm những hình thù kì lạ lên xung quanh mặt, tùy theo ý thích của mình. 

Đó có thể đơn giản chỉ là những dấu cộng, hoặc những đường thẳng song song nhau…

Những hình xăm này không chỉ có ý nghĩa làm đẹp cho mỗi cô gái, chàng trai trong làng mà còn là biểu tượng của sự giàu có, phồn vinh. Chính vì vậy, chỉ những người giàu trong làng mới được xăm vẽ mặt; người nghèo không được phép xăm.

Trong làng Đăk Mế giờ cũng chỉ còn duy nhất 1 người phụ nữ từng sống trong gia đình giàu có xưa, được xăm mặt. Đó là bà Nàng Bu. Còn hình thức xăm mặt có từ bao giờ thì ngay cả cụ Nàng Bu cũng không nắm rõ.

Bà Nàng Bu tâm sự: “Mình và chồng mình xăm mặt từ khi mới lấy nhau. Mình xăm cho đẹp, thích gì xăm đó thôi. Chồng mình mất gần chục năm nay rồi. Còn trước đây trong làng nhiều cô gái xăm mặt, có hẳn một đội chuyên cà răng, căng tai, xăm mặt hẳn hoi”. 

Cà răng, căng tai, xăm mặt ở người B’râu là một phong tục mang đậm nét văn hoá đặc trưng, phản ánh nhân sinh, thẩm mỹ quan tộc người. Ðây chính là mốc son chuyển tiếp cuộc đời của một cá nhân, làm tăng thêm nguồn nhân lực cho bản làng, làm đẹp thêm xã hội B’râu truyền thống. 

Đến nay, tục cà răng, căng tai, xăm mặt đã được bãi bỏ nhưng những nhân chứng sống như cụ Nàng Bu sẽ còn được người dân trong làng lưu truyền mãi mãi về nét văn hóa của người B’râu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ