Bỏ thực hiện giãn cách trong lớp học: Các trường vẫn chủ động phòng dịch

Bỏ thực hiện giãn cách trong lớp học: Các trường vẫn chủ động phòng dịch

Tuy nhiên, nhà trường khuyến cáo học sinh nên đeo khẩu trang bất cứ lúc nào có thể và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thuận lợi cho nhà trường, học sinh

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Bỏ quy định giãn cách là hợp lý khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Không thực hiện giãn cách, nhà trường dễ dàng sắp xếp thời khóa biểu, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Trước đó, để bảo đảm 1 học sinh/bàn, 1 lớp không quá 20 em, Trường THPT Việt Đức phải tận dụng cả thư viện, phòng nghỉ giáo viên làm phòng học tạm thời. Chỉ học sinh lớp 12 được ưu tiên học buổi sáng trong cả tuần, còn lớp 10 và 11 xen kẽ 3 buổi học trực tiếp tại trường.

Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: Không bắt buộc giãn cách giúp nhà trường tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng dạy và học. Bỏ khẩu trang trong lớp học, học sinh hào hứng phát biểu hơn, không khí lớp học cũng thân thiện. Tháo khẩu trang còn giúp giáo viên và học sinh dễ chịu hơn. Nhà trường đổi khẩu lệnh tuyên truyền từ bắt buộc sang khuyến cáo học sinh nên đeo khẩu trang bất cứ lúc nào có để phòng bệnh cho bản thân.

Theo cô Lý, thực hiện quy định giãn cách, Trường THCS Nguyễn Du chia các lớp thành hai ca sáng và chiều. Việc chia ca khiến giáo viên rất vất vả, nhà trường phải giảm số tiết học trên lớp, chưa thực hiện được việc rà soát và ôn lại kiến thức những phần đã dạy online. Điều này khiến nhiều phụ huynh, đặc biệt phụ huynh khối 9 lo lắng bởi các con đang trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi vào lớp 10.

Sinh viên, giảng viên chủ động phòng dịch

Tại TPHCM, sinh viên các trường ĐH như: Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, HUTECH, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Hiến, ĐH Luật TPHCM đã đi học tập trung trở lại bình thường như trước khi dịch Covid-19 xảy ra trong tâm thế thoải mái và chủ động.

NGND.PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: Theo quy định giãn cách xã hội, lớp học đông sinh viên sẽ chia làm 2 lớp, giảng viên dạy trực tiếp một phòng và truyền trực tuyến cho phòng còn lại. Những ngày đầu đi học lại, trường thực hiện nghiêm túc, sinh viên vui vẻ chấp hành. Hiện Bộ GD&ĐT bỏ yêu cầu giãn cách, nhà trường cũng đã thông báo đến sinh viên.

Không chỉ nêu cao ý thức chủ động phòng dịch cho sinh viên và giảng viên, nhiều trường ĐH tại TPHCM còn nhanh chóng xây dựng lại kế hoạch học tập, thi cử, làm luận văn tốt nghiệp cũng như học online cho sinh viên trong tình hình mới. Ngoài ra, kế hoạch đi thực tập, thi tốt nghiệp, làm khóa luận của sinh viên cũng không bị tác động nhiều khi hầu hết các đơn vị coi thời gian nghỉ dịch là kỳ nghỉ hè hằng năm.

ThS Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) trao đổi: Về cơ bản lịch học, đi thực tập, thi tốt nghiệp và làm khóa luận của sinh viên không thay đổi nhiều. Theo kế hoạch mọi năm thường kết thúc năm học vào cuối tháng 6, (tháng 7 sinh viên nghỉ hè) nay kết thúc học kỳ II vào tháng 8, trung tuần tháng 9 sẽ bắt đầu năm học mới, xê dịch so với kế hoạch học tập hằng năm khoảng 1 tháng.

“Hình thức học online vẫn tiếp tục triển khai cho đến khi kết thúc học phần. Từ thực tế việc học online thời gian qua, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch học online chính thức cho năm học tới và sẽ chiếm khoảng 10 - 20% tổng thời gian đào tạo nhằm xây dựng nền tảng, cũng như hướng đến việc thúc đẩy mạnh việc học trực tuyến” - ThS Thoa cho biết.

Kế hoạch học tập, thi cử được Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng gấp rút điều chỉnh. Do thời gian nghỉ dịch 3 tháng, có môn hoàn thành phần lớn trong giờ dạy online. Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, với môn lý thuyết, việc tập trung sinh viên để giảng viên giải đáp thắc mắc về bài giảng. Với các môn thực hành, sinh viên bắt đầu học để hoàn thành trong học kỳ.

Sự chủ động bắt nhịp với những thay đổi của tình hình thực tế vì dịch Covid-19 còn được nhiều trường thực hiện rất linh động. Không chỉ chủ động hỗ trợ sinh viên việc học, đi thực tập, Trường ĐH Văn Hiến còn xây dựng kế hoạch tổ chức thi trả nợ học phần, môn cho các sinh viên năm 4 để các em kịp tiến độ nhận bằng tốt nghiệp thay vì phải chờ các lớp sau (năm 3) mới thi ghép được.

Tuy không thực hiện giãn cách trong giảng đường nghiêm ngặt như những ngày đầu. Tùy theo lớp học, môn học khi giảng đường vắng, sinh viên và giảng viên vẫn chủ động ngồi có khoảng cách, thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. - PGS.TS Hồ Thanh Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.