Bổ sung nhiều quyền lợi của người nộp thuế

GD&TĐ - Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nhiều quyền lợi của người nộp thuế.

Một trong những mục tiêu được Bộ Tài chính đặt ra là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý thuế
Một trong những mục tiêu được Bộ Tài chính đặt ra là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý thuế

Cụ thể như: Người nộp thuế được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn; không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế…

Theo dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi): Quyền của người nộp thuế được quy định như sau: Được hỗ trợ, hướng dẫn việc nộp thuế, cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.

Người nộp thuế được hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn.

Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật. Không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế.

Đồng thời được tra cứu để xem, in toàn bộ chứng từ điện tử người nộp thuế đã gửi đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và của pháp luật về giao dịch điện tử. Được sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan…

Dự thảo Luật nêu rõ: Theo quy định hiện hành thì cá nhân có duy nhất một nguồn thu nhập thì thực hiện khấu trừ tại nguồn và ủy quyền quyết toán qua tổ chức chi trả.

Đối với cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên thì phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn.

Qua quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập trong việc khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN), để cải cách việc quyết toán thuế TNCN theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, giảm thiểu rủi ro trong hoàn thuế TNCN thì tại Luật Quản lý thuế cần sửa đổi về thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp).

Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 và được sửa đổi, bổ sung 3 lần tại: Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016.

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý trong số đó là: Quy định về chính sách quản lý thuế chưa thay đổi kịp với sự thay đổi của chính sách tại từng sắc thuế. Quy định về việc xây dựng, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế đã được ban hành nhưng chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của giao dịch thương mại toàn cầu…

Theo Bộ Tài chính, mục đích của việc xây dựng dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là nhằm xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý thuế thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện trên cở sở các nền tảng cơ bản: Thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng CNTT hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.