Bộ sửa luật, giáo viên có cơ hội sở hữu nhà?

GD&TĐ - Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi). Điều này được dự báo là mở ra cơ hội sở hữu nhà cho đội ngũ giáo viên với mức lương còn hạn chế.

Được mua dự án nhà ở xã hội là niềm mong mỏi của nhiều giáo viên. Ảnh minh họa
Được mua dự án nhà ở xã hội là niềm mong mỏi của nhiều giáo viên. Ảnh minh họa

Mong an cư để chuyên tâm giảng dạy

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Xá (huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, trường có khoảng 70% là giáo viên trẻ. Nhiều thầy cô cách xa trường 20 km nhưng chưa mua được nhà, phải ở trọ.

“Nhiều giáo viên nhà xa trường, việc đi lại vất vả. Nhiều thầy cô đã xây dựng gia đình, nhu cầu nhà ở rất là lớn. Tuy nhiên, với đồng lương giáo viên tiểu học khó khăn, để mua được căn nhà nhỏ là niềm mơ ước…”, bà Mai nói.

“Các cô quê ở xa và phải thuê nhà gần trường để thuận tiện cho việc đi lại. Chi phí thuê nhà cũng phải 4 triệu chưa kể điện, nước - đây là khó khăn rất lớn. Từ đó sẽ ảnh hưởng phần nào đến tinh thần, sức khỏe cho giáo viên, khiến chi phí phát sinh. Các thầy cô đều có nguyện vọng sở hữu nhà. Nếu có nhà ở xã hội (NƠXH) hoặc những chính sách mới về nhà ở cho giáo viên sẽ là niềm vui lớn, thiết thực…”, bà Mai nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Diễn (Hà Nội) cũng cho biết, nhà trường có 75 giáo viên, khoảng 10% giáo viên chưa có nhà, phải đi thuê. Nếu có chính sách mua NƠXH cho giáo viên sẽ tháo gỡ khó khăn cho thầy cô chưa có nhà.

“Chính sách có cần triển khai ngay, hướng dẫn xuống đơn vị công tác tại cơ sở. Bởi cơ sở là nơi quản lý trực tiếp nhân sự sẽ lựa chọn tốt nhất ai đủ điều kiện để được mua NƠXH…”, bà Huyền bày tỏ.

Gắn bó 7 năm với ngành Giáo dục, cô Phượng hiện đang công tác tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Vợ chồng có hai con đang thuê 1 căn nhà nhỏ cấp 4 ngay cạnh trường để tiện công tác giảng dạy.

“Hai vợ chồng đều là viên chức, cùng từ quê lên lập nghiệp nên chưa đủ điều kiện để mua nhà. Nếu có chính sách hỗ trợ cho giáo viên về vấn đề NƠXH là mong mỏi của chúng tôi. Có nhà giúp chúng tôi yên tâm, gắn bó và toàn tâm toàn ý cho công việc hơn”, cô Phượng nói.

Đồng nghiệp với cô Phượng, cô Sinh cũng cho biết, với hoàn cảnh chồng phải ở quê chăm mẹ bị bệnh đãng trí khiến một mình cô phải nuôi hai con ăn học mà chưa đủ tiền mua nhà.

“Với mức lương khoảng 6 triệu/tháng, trả tiền thuê nhà 2 triệu/tháng. Với 4 triệu nuôi hai con ăn học thực sự khó khăn. Nếu có chính sách NƠXH cho giáo viên thực sự là một tin vui cho cả gia đình. Tôi có thể đón mẹ lên ở và đỡ được gánh nặng trả tiền thuê nhà…”, cô Sinh bày tỏ.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, NƠXH là chủ trưởng hết sức đúng đắn, nhân văn hướng đến người có thu nhập thấp.

“Giáo viên hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, lương thấp nhưng công việc nặng nề. Nếu như không có chính sách tốt về NƠXH. Các cụ nói “an cư mới lạc nghiệp”, giáo viên là “máy cái” tạo lên sản phẩm chất lượng cho xã hội cần phải được ưu tiên hơn…”, ông Tiến nhấn mạnh.

Hiện đời sống của nhiều giáo viên còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Hiện đời sống của nhiều giáo viên còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Giá nhà ở xã hội cho giáo viên phải “mềm” hơn

Mới đây, sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị vừa Quốc hội chuyển đến Bộ Xây dựng về quy định nhà ở hiện nay còn có nhiều bất cập vì không nhắm đến các đối tượng khó khăn về nhà ở. Nhất là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, giáo viên… có thu nhập thấp. Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm nhóm đối tượng này, tháo gỡ khó khăn cho các trường hợp có nhu cầu mua nhà.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 (Khoản 1 Điều 51) cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng nhiều điều kiện. Về nhà ở là những người chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở nhưng diện tích sàn nhà ở trung bình của hộ gia đình nhỏ hơn 10 m2/người. Về cư trú, có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có NƠXH. Về điều kiện thu nhập, không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên thì được hưởng các chính sách hỗ trợ về NƠXH.

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên, những người này được quyền mua, thuê, thuê mua NƠXH tại địa phương (có giá thành thấp hơn nhà ở thương mại cùng khu vực 20 - 30% do được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước) và được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua NƠXH.

Còn tại Khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở năm 2014 thì cán bộ, công chức, giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa... thì thuộc diện được thuê nhà ở công vụ.

Theo Bộ Xây dựng, để được hưởng chính sách này, họ phải thuộc diện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình. Chưa được mua, thuê hoặc thuê mua NƠXH tại địa phương nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu 10 m2/người.

Với những bất cập và kiến nghị trên, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ ghi nhận ý kiến nêu trên của cử tri tỉnh Bình Thuận để sửa đổi, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.

Liên quan đến chính sách mua NƠXH, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, NƠXH cho giáo viên có thu nhập thấp là việc làm cần thiết trong điều kiện khi lương giáo viên không nhiều. Giá bán NƠXH cho giáo viên phải mềm hơn giá thương mại và phải có chính sách phù hợp.

“Cần đưa ra những tiêu chí cần thiết, phù hợp với thực tiễn để giáo viên có khả năng mua được nhà. Không nhất thiết giáo viên mua nhà phải trả tiền 1 lần mà có thể giáo viên trả tiền nhiều lần. Nếu Nhà nước đầu tư hoàn toàn xây NƠXH thì phải cho giáo viên trả chậm. Nếu của doanh nghiệp đầu tư NƠXH cũng nên cân đối cho giáo viên trả chậm, tính lãi xuất hợp lý. Các tiêu chí để mua nhà phải cụ thể, rõ ràng để giáo viên cố gắng mua được và phù hợp với nguyện vọng, đúng đối tượng…”, ĐBQH Hòa nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.