Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối… Một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Cây cau cũ, giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần.... Rồi mẹ hãy dần dần đi
Trúc Thông
Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú
Trúc Thông là một trong những nhà thơ cách tân thơ Việt. Từ tập thơ Chầm chậm tới mình đến tập Ma ra tông ông vẫn là một phong cách Trúc Thông mới hiện đại trong cấu trúc, cấu tứ hình thức thơ nhưng lại rất truyền thống cội nguồn trong cách cảm và nếp nghĩ.
Bờ sông vẫn gió là một bài thơ lạ trong “Trường thơ” của ông lại là một bài thơ hay, hiếm hoi, được viết rất giản dị và cảm động bằng thể thơ lục bát nền nã nhiều chiêm nghiệm, nhưng không ít phấp phỏng day dứt tạo ra một âm hưởng bè trầm tâm thế...
Đọc tên bài thơ Bờ sông vẫn gió, ta hình dung ra tính biểu tượng “kép” của tứ thơ. Bờ sông là một giới hạn địa lý gợi sự thăng trầm, lở bồi, chìm nổi và gió như một định lượng của biến thiên đổi thay. Hai trạng thái đó cùng xuất hiện chắc hẳn sẽ có nhiều cung bậc tâm trạng.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh “Lá ngô lay ở bờ sông”. Nếu như cây lúa gắn với người nông dân ở ruộng đồng thì cây ngô cũng rất thân quen trong nguồn lương thực hằng ngày được trồng ở các bãi bồi phù sa. Nhưng ở cây ngô còn có hình ảnh trĩu bắp đeo quanh mình như người mẹ và đàn con - một sự sum vầy no ấm.
Với chỉ một từ “lay” đã thổn thức, cô độc, mong manh và trông ngóng để thức dậy bao hoài niệm về người đã khuất. Chữ “xin” được nhà thơ dùng đến ba lần: “Xin người hãy trở về quê”, “Lệ xin giọt cuối để dành” và “Con xin ngắn lại đường gần” đã chạm được đến cõi lòng rưng rưng của người con, của người đọc.
Ta cứ hình dung tác giả đang quỳ xuống bên mộ mẹ với ba lần vái xin, ngỡ chẳng còn hình ảnh nào có thể thay thế được bằng động thái tôn kính - “xin” để mong mỏi khao khát được nhận.
Trong bài thơ ngắn, nhà thơ đã nhắc lại năm lần từ “về” ở các cấp độ tình cảm được nâng dần lên từ “về quê” đến “về thương” và “về buồn”. Cũng như từ “cuối”, “từ một lần cuối” đến “Lệ xin giọt cuối” - Cái giới hạn tột cùng ấy chính là sự vận động của tứ thơ tạo ra bao trạng thái phấp phỏng và lay thức thần tình như giọt nước mắt của nhà thơ rơi chạm mộ mẹ và hòa tan vào đất.
Tần số lặp lại của những từ rất bình dị thường ngày trong cuộc sống được đặt trong khung cảnh đặc biệt này thật tự nhiên, dựng dậy được cả chiều sâu ám ảnh, không gian tâm linh thiêng liêng của “thần giao cách cảm”.
Một không gian thuần Việt nông thôn được vẽ nên qua hình ảnh: “Cây cau cũ, giại hiên nhà” thấm đậm hồn Việt, gợi nên hình ảnh của mẹ cứ thấp thoáng, lấp lánh trong ánh nắng chiều để nhuộm xuống “Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha”. Đây là một câu thơ lạ ngỡ có gì như hơi lạc đề nhưng ngẫm lại thì quá sâu sắc bởi chữ “nương” như một điểm tựa tin cậy ở tình yêu thương con người.
Bài thơ như đưa ta về lại một không gian cõi thiện nhuốm màu tâm linh phật giáo của thuyết luân hồi nhưng lại rất hiện đại và mới mẻ trong sự định vị có tính ước lượng: “Con xin ngắn lại đường gần/Một lần… Rồi mẹ hãy dần dần đi”.
Ba lần nhà thơ nhắc đến “một lần” như sự mong mỏi hết sức khiêm nhường và hy vọng, dù là hy vọng mỏng manh trong tâm tưởng. Chính điều đó đã thổi một sức sống mới vào niềm tin, vào sự thánh thiện. Câu thơ khép lại “dần dần” nhưng âm vọng da diết, đằm thắm, nhân hậu của tình người, tình mẹ con thì vẫn “lay” mãi dù có ngày lặng gió…