Vợ chồng cô hàng xóm nhà tôi đã rất trăn trở khi con trai vào lớp Một. Cả hai quê Hải Dương, hộ khẩu vẫn ở quê nên không thể xin được cho con trai vào một trường công rất tốt ở gần nhà, dù họ đã sống ở khu này được 8 năm. Cuối cùng để tiện cho công việc và đưa đón con, họ đành xin cho con học một trường tư với học phí gấp 4 lần, mất gần nửa lương người mẹ mỗi tháng.
Tình huống như họ là câu chuyện rất phổ biến. Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú sửa đổi hôm 22/4, đã nói: “Người dân mình khổ sở vì sổ hộ khẩu lắm, người tha phương lên thành phố làm thuê làm mướn, con em họ gặp khó khăn trong việc đi học vì không có sổ hộ khẩu”.
Không chỉ là việc đi học, quản lý bằng hộ khẩu còn có rất nhiều thứ rườm rà, bất tiện, lỗi thời. Ngay như trường hợp trên, hộ khẩu một nơi, người một nẻo, thậm chí có người chuyển đến mấy lần mà không chuyển khẩu vì ngại thủ tục nhiêu khê, cuối cùng chúng ta vẫn không quản lý được, mà khi thực hiện giao dịch của mình chính người dân cũng gặp nhiều phiền hà.
Việc bỏ hộ khẩu được đề cập có lẽ cả chục năm nay. Sau một thời gian dài xây dựng hạ tầng thông tin, thí điểm, việc này dự định sẽ thành hiện thực vào giữa năm 2021. Phương thức quản lý cư trú cũ bằng hộ khẩu sẽ được thay đổi bằng số định danh cá nhân. Các thông tin cư trú và thông tin cá nhân của người dân được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu đó được xem là tài sản quốc gia, được bảo đảm bí mật và quản lý chặt chẽ.
Với việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, người dân sẽ được bảo đảm quyền tự do đi lại, tự do cư trú mà không phụ thuộc vào hộ khẩu. Họ cũng được hưởng lợi từ sự đơn giản hóa về thủ tục hành chính, thuận lợi, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Những nguy cơ tiêu cực có thể nảy sinh trong việc quản lý hộ khẩu giấy hay các giao dịch hành chính liên quan đến hộ khẩu sẽ được giảm thiểu và xóa bỏ. Vẫn còn nhiều băn khoăn về việc thay thế hộ khẩu, chẳng hạn như ứng phó với nạn tội phạm, còn không thủ tục hành chính phải cần tới hộ khẩu, nhưng những điều đó có thể khắc phục để tiến tới cách thức và mô hình quản lý hiện đại hơn, phù hợp với thời “công nghệ 4.0” mà Chính phủ đã đề cập mấy năm nay, phù hợp với xu thế của toàn cầu.
Hơn 3 năm trước, tôi có dịp đi công tác Estonia, và một trong những ấn tượng kinh ngạc nhất, chính là mô hình e-Estonia (Estonia điện tử) của quốc gia Baltic bé nhỏ này. Chỉ có 1,3 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người của Estonia lên tới khoảng 28.000 euro, và là một trong những quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Từ lâu nền hành chính của Estonia rất gọn ghẽ nhờ ứng dụng công nghệ. Hầu như mọi dịch vụ công của họ đều tích hợp trong một tấm thẻ nhựa bé như thẻ ngân hàng. Trong đó là thẻ bảo hiểm y tế, bằng lái xe, quản lý cư trú, nộp thuế, thậm chí đăng ký bỏ phiếu cũng bằng tấm thẻ đó. Ở Việt Nam sẽ khó khăn hơn nhiều so với Estonia do dân số quá đông, khác biệt về trình độ quản lý, trình độ dân trí, mức độ công nghệ hóa... Nhưng không vì khó mà chúng ta chần chừ, bởi đó là việc nên làm.