Bộ óc 20 tuổi trong cơ thể hơn 100 năm

Bộ óc 20 tuổi trong cơ thể hơn 100 năm

(GD&TĐ) - Trong phóng sự Bao giờ người ta già? Đài phát thanh Thụy Sĩ khẳng định ngay câu hỏi này chỉ đặt ra đối với "người trần mắt thịt", chứ không đặt ra đối với những người như Rita Levi Montalcini - Nhà nữ Thần kinh học được giải thưởng Nobel Y học.

Bộ não vẫn hoạt động như 80 năm trước

Từ khi nhà Vật lý học người Anh gốc Ba Lan Jozef Rotblat qua đời năm 2005 thì Rita Levi Montalcini là người cao tuổi nhất được trao giải Nobel vẫn còn sống. Từ ngày 22/4/2009, bà còn là người đầu tiên được trao giải Nobel vượt qua ngưỡng 100 tuổi. Từ 60 năm nay người phụ nữ nhỏ nhắn và có năng lượng của một ngọn núi lửa này đã nghiên cứu khoa học không nghỉ.

Tuy đã bước qua tuổi 100, nhưng còn lâu bà mới coi là mình đã quá già cho khoa học. "La Rita" - như báo chí Italia kính trọng gọi bà - nhìn nhận tuổi cao của mình là một cơ hội. Rita Levi Montalcini thường nói "Tôi không thấy mệt mỏi" khi mọi người lo lắng hỏi thăm sức khỏe của bà.

Bà cụ có phong cách lịch lãm này thường nói là bộ não của bà vẫn hoạt động như cách đây... 80 năm. Vậy tại sao bà lại không thể tiếp tục say mê nghiên cứu khoa học? Phương tiện hỗ trợ sức khỏe duy nhất bà phải dùng là máy trợ thính! Bà chưa từng bị ốm nặng trong đời và vì thế vẫn đều đặn làm việc trong "Viện nghiên cứu não châu Âu" ở Rôma. Ở đó bà vẫn cảm thấy thoải mái giữa các nhà khoa học trẻ chỉ bằng tuổi chắt của bà.

Không an phận chỉ tề gia nội trợ

Thủ tướng Italia Mario Monti
Thủ tướng Italia Mario Monti

Rita Levi Montalcini cùng cô em gái sinh đôi Paola ra đời ngày 22/4/1909 tại Turin (Italia), cha là kỹ sư gốc Do Thái, mẹ là họa sĩ  khá nổi tiếng. Hai ông bà có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc.

Rita là một đứa trẻ rụt rè. Cô bé ít chơi với bạn bè cùng trang lứa vì luôn là đứa trẻ kém nhất trong các trò nhảy dây, nhảy lò cò và ném bóng. Cô ít tiếp xúc còn vì ngại chúng bạn hỏi nguồn gốc dân tộc của cha mẹ cô.

Ngay từ hồi tiểu học, Rita đã rất thích đến trường. Hồi đó học sinh nam và nữ không được học chung một lớp. Cha mẹ quyết định cô chỉ theo học đến bậc trung học thôi, chứ không học đại học, để sau đó an phận phụ nữ làm nội trợ và làm mẹ.

Năm Rita 19 tuổi, cô giúp việc Giovanna mà Rita yêu quý như người mẹ thứ hai mắc bệnh ung thư. Cô quyết định theo học ngành y để một ngày nào đó có thể chữa được bệnh cho Giovanna. Tuy sau đó ít lâu Giovanna qua đời, nhưng Rita vẫn theo đuổi mục đích của mình và nhất quyết bảo vệ nguyện vọng của cô đến nỗi người cha phải đồng ý.

Từ năm 1930, Rita Levi Montalcini học y tại Trường ĐH Turin. Sau khi tốt nghiệp năm 1936 cô định chuyên sâu vào lĩnh vực thần kinh học, nhưng nhà độc tài Mussolini hồi đó ra lệnh cấm những người không mang dòng máu của chủng tộc thượng đẳng được thăng tiến trong nghề nghiệp và trên con đường khoa học. Rita Levi Montalcini mất việc làm trong Viện Giải phẫu học và Bệnh viện Thần kinh và mất quyền hành nghề bác sĩ.

Phòng ngủ thành phòng thí nghiệm

Vì thế, năm 1939 Rita Levi Montalcini chuyển đến làm việc tại Viện Thần kinh học ở Brussel (Bỉ), nhưng năm 1940 lại cùng gia đình quay về Turin khi quân đội Quốc xã tiến vào Bỉ. Để tiếp tục nghiên cứu, bà đã lập một phòng thí nghiệm "dã chiến" trong phòng ngủ của mình. Tháng 5/1945 bà làm trợ lý khoa học trong Viện Giải phẫu và học tiếp đại học ngành sinh học. Mùa thu năm 1947 bà vào làm tại trường ĐH Washington (Mỹ).

Với công trình tìm ra yếu tố tăng trưởng thần kinh NGF (Nerve Growth Factor) trong thập niên 50 Rita Levi Montalcini đã viết nên một trang mới trong lĩnh vực nghiên cứu hệ thần kinh. Trọng tâm công trình nghiên cứu của bà là vấn đề thông tin được truyền đi trong cơ thể như thế nào - ví dụ như chỉ trong vòng một phần nghìn giây từ khi đầu ngón tay bị kim châm đến khi ta cảm thấy đau nhói.

Đồng nghiệp của bà là Stanley Cohen tiếp tục nghiên cứu đường truyền thông tin phức tạp này và phát hiện thêm một hợp chất sinh học nữa là yếu tố tăng trưởng thượng bì EGF (Epidermal Growth Factor) có tác dụng làm mau lành vết thương. Hai phát kiến của Rita Levi Montalcini và Stanley Cohen đã tạo ra cơ sở cho việc phân lập một loạt các yếu tố tăng trưởng và là một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu ung thư.

Dành toàn bộ tiền thưởng để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ

"Một phụ nữ có sức tỏa sáng, cuốn hút và ngoan cường, đã đấu tranh để bảo vệ những giá trị bà tin tưởng trong suốt cuộc đời mình".

Năm 1986, Rita Levi Montalcini và nhà sinh hóa người Mỹ Stanley Cohen cùng được trao giải thưởng Nobel Sinh lý học và Y học cho công trình phân lập và xác định tính chất của quá trình tăng trưởng thần kinh.

Rita Levi Montalcini đã giành số tiền thưởng của giải Nobel để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học của bà. Bà nói, giải Nobel không thay đổi cuộc sống của bà và bà sẽ vẫn làm việc như từ trước tới nay.

Trước khi được trao giải Nobel, bà đã được trao nhiều giải thưởng khác. Bên cạnh công việc trong Viện Sinh học tế bào tại Rôma của mình, bà còn giành thời gian đến các hội thảo, hội nghị để tham gia họat động xã hội. Bà đã từng là Chủ tịch "Hội Đa xơ cứng mô" của Italia. Bà tích cực tham gia các hoạt động chống bạo hành phụ nữ trên toàn thế giới của Tổ chức ân xá quốc tế. Tổ chức này đã xuất bản cuốn sách nhan đề Không bao giờ về chủ đề này và bà là người được mời viết lời tựa. Năm 1992, bà thành lập một quỹ mang tên bà tài trợ cho phụ nữ châu Phi theo học đạo học.

Năm 1999, khi đã bước qua tuổi 99 bà viết cuốn Tôi là cái cây với nhiều cánh. Trong sách bà giải thích tại sao bộ não vẫn có thể còn hoạt động rất tốt khi tuổi cao và khuyên mọi người hãy sống tích cực, rèn luyện bộ não và nếu có thể hãy làm những gì mình yêu thích.

Gần 100 tuổi vẫn nghiêm túc với trách nhiệm của mình

Rita Levi Montalcini mang quốc tịch Mỹ và Italia. Ở Mỹ, bà được vinh danh là nhà nữ phôi sinh học thành công nhất nước Mỹ. Năm 1968 bà là người phụ nữ thứ 10 trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ và năm 1987 được tặng Huân chương Khoa học cao nhất nước Mỹ. Tuy vậy, khi về già quê hương Italia và thành Rôma trở thành trung tâm điểm trong cuộc sống của bà. Đó cũng là nơi bà rất được kính trọng. Tháng 8/2001, Tổng thống Italia đương thời Carlo Azeglio Ciampi đã phong bà là Thượng nghị sĩ suốt đời - một vinh dự, đồng thời một trách nhiệm được bà nghiêm túc thực hiện.

Ngày 30/12/2012, Rita Levi Montalcini qua đời trong căn hộ của bà ở Roma ở tuổi 103. Trong lời điếu, ông Gianni Alemanno, thị trưởng Rôma nói: "Cái chết của bà làm không chỉ Rôma và Ilalia, mà cả nhân loại đau buồn".

Hùng Chi (Tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.