Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang-seo đã đi đến thống nhất về việc không gia hạn hợp đồng, sau khi giao kèo hiện tại kết thúc vào ngày 31/1/2023. Điều này đồng nghĩa, AFF Cup 2022 sẽ là giải đấu cuối cùng của HLV Park Hang-seo trên cương vị thuyền trưởng ĐT Việt Nam.
VFF đang xúc tiến việc tìm kiếm người thay thế HLV Park Hang-seo. Tiêu chí mà VFF đưa ra là một HLV ngoại, có trình độ chuyên môn giỏi cùng lý lịch hoành tráng như HLV ĐT futsal nam hiện nay. Tính đến hiện tại, danh sách các ứng viên tự nộp hồ sơ ứng cử cho VFF đa phần là người châu Âu.
Nhiều HLV châu Âu ứng cử ghế nóng ĐT Việt Nam.
Dragan Skocic, Robert Prosinecki (người Croatia), Slaven Skeledzic (Bosnia & Herzegovina), Bozidar Bandovic (Montenegro) là một số cái tên nổi bật. Trong số này, Robert Prosinecki là cựu HLV các đội Azerbaijan và Bosnia & Herzegovina, Slaven Skeledzic từng nắm đội U17 Bayern Munich, Dragan Skocic là cựu HLV đội Iran, còn Bozidar Bandovic từng dẫn dắt các CLB Buriram United và BEC Tero Sasana (Thái Lan).
Tất cả đều có giai đoạn thành công trong quá khứ và năng lực chuyên môn được ghi nhận. Nhìn sơ qua, những HLV này đều cơ bản đáp ứng tiêu chí mà VFF đưa ra.
Thế nhưng, liệu một HLV châu Âu cùng lý lịch xịn sẽ phù hợp với ĐT Việt Nam? Lật lại quá khứ, ngoại trừ HLV Henrique Calisto (Bồ Đào Nha), 2 HLV đến từ lục địa già còn lại đều không thành công với ĐT Việt Nam.
Khoảng thời gian HLV Edson Tavares (người Brazil) và HLV Falko Goetz (người Đức) dẫn dắt ĐT Việt Nam đều vô cùng đáng quên.
Kỳ thực, HLV Calisto thành công với ĐT Việt Nam với đỉnh cao là ngôi vô địch AFF Cup 2008, phần lớn là nhờ chiến lược gia này hiểu rất rõ không chỉ bóng đá Việt Nam, mà còn hiểu về văn hóa và con người Việt Nam. Gần 8 năm dẫn dắt CLB Đồng Tâm Long An (từ đầu năm 2001-2008) giúp ích cho HLV Calisto rất nhiều.
HLV Park thành công vì hiểu con người và văn hóa Việt Nam.
Chính vì thế, sau này bên cạnh các tiêu chí về chuyên môn và thành tích quá khứ, khi VFF tuyển HLV cho đội tuyển quốc gia, có thêm tiêu chí hiểu bóng đá Đông Nam Á và bóng đá Việt Nam.
Tiêu chí này hiện tại không chỉ được áp dụng ở Việt Nam, mà còn lan rộng khắp khu vực, khi các đội Indonesia, Malaysia, Singapore đều học tập điều đó, chọn các HLV ở châu Á thay vì châu Âu với phương châm các HLV châu Á hiểu bóng đá Đông Nam Á nhiều hơn.
Ngay cả HLV mang 2 quốc tịch Brazil và Đức của ĐT Thái Lan Mano Polking cũng gần như là người Thái, sau hàng chục năm sống ở xứ sở Chùa Vàng.
Tương tự như HLV Calisto, sở dĩ HLV Park Hang-seo thành công rực rỡ với các ĐT Việt Nam, ngoài yếu tố chuyên môn còn nhờ việc hiểu con người, văn hóa và cầu thủ Việt Nam. HLV Park Hang-seo nắm rõ thể trạng và tâm lý của cầu thủ, từ đó giúp họ phát huy tối đa năng lực và gặt hái nhiều chiến tích vang dội.
HLV Calisto là người châu Âu hiếm hoi thành công với ĐT Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam có những đặc thù khác hẳn so với bóng đá châu Âu. Đó là khác biệt về thể chất, về lối sống và cả cách tiếp cận các phương pháp chuyên môn mà HLV muốn truyền tải cho họ.
"Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục", các HLV nếu không uyển chuyển thay đổi để phù hợp với môi trường mà mình làm việc, khó có thể đạt đến thành công như HLV Park Hang-seo hay HLV Calisto từng vươn tới.
Bóng đá Thái Lan chính là tấm gương lớn. Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) từng ngả theo hướng sử dụng các HLV ngoại, đặc biệt là các HLV đến từ châu Âu nhằm nâng tầm đội tuyển với mục tiêu xa hơn là World Cup, thay vì mãi quanh quẩn ở khu vực Đông Nam Á.
Nhưng rồi, Thái Lan rốt cuộc nhận ra rằng chỉ có các HLV hiểu cầu thủ Thái Lan, văn hóa Thái Lan mới có thể giúp đội bóng xứ Chùa Vàng chạm tới vinh quang như triều đại HLV Kiatisak Senamuang.
Vì vậy, chọn người kế nhiệm HLV Park Hang-seo không phải cứ lý lịch đẹp là đủ. Tiêu chí quan trọng nhất phải là người hiểu bóng đá Việt Nam, xử lý uyển chuyển trong môi trường bóng đá Việt Nam. VFF còn khoảng 3 tháng để hiện thực hóa điều này.