Tạo thuận lợi cho cơ sở
Ngày 8/4/2025, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 1581 gửi UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm xã và tỉnh. Theo đó, sở GD&ĐT cấp tỉnh sẽ đảm nhận việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý trường mầm non, tiểu học, THCS công lập thay cho cấp huyện.
Là cấp học thấp nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, bà Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) bày tỏ sự đồng tình với chủ trương này, bởi sở GD&ĐT là cơ quan quản lý về chuyên môn nên nắm bắt sâu sát năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên cũng như nhu cầu thừa thiếu của từng đơn vị để từ đó bổ nhiệm, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ sẽ phù hợp và đạt hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, nếu sở GD&ĐT tuyển dụng, chỉ tiêu được phân bổ rõ ràng cho từng đơn vị. Điều này giúp mỗi ứng viên chỉ đăng ký một nơi phù hợp với nhu cầu thực tế. Khi đó, quy trình tuyển dụng giáo viên được tối ưu hóa, đảm bảo sự công bằng và minh bạch, tạo thuận lợi cho các trường trong quá trình hoạt động.
Còn bà Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, đây là quy định mang tính đột phá vì trước kia việc bổ nhiệm, điều động do cấp huyện đảm nhiệm. Tới đây, khi bỏ cấp huyện, Nhà nước không giao cho chính quyền cấp xã thực hiện việc này là hợp lý vì trong xã số lượng các trường mầm non, tiểu học và THCS ít, nếu điều động cán bộ quản lý, giáo viên trong xã thì cơ hội học hỏi, phát huy năng lực đội ngũ sẽ hạn hẹp.
Khi sở GD&ĐT thực hiện chức năng bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý, nhà giáo trong tỉnh, việc điều chỉnh biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường sẽ hài hòa, hợp lý hơn, tránh tư tưởng cục bộ, địa phương. Đồng thời, cán bộ quản lý, nhà giáo có cơ hội trao đổi, học hỏi và phát huy năng lực, sở trường trong môi trường giáo dục khác nhau trên địa bàn tỉnh.
“Không chỉ vậy, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên từ mầm non đến THCS trong phạm vi toàn tỉnh còn góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành”, bà Tạ Thị Thanh Bình nhấn mạnh.

Xây dựng quy trình rõ ràng
Từ thực tế công tác, bà Bùi Thị Thanh Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS 915 Gia Sàng (TP Thái Nguyên, Thái Nguyên) nhìn nhận, giao quyền bổ nhiệm, điều động nhân sự các trường mầm non, tiểu học và THCS cho cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT cấp tỉnh đảm bảo tính hợp lý, phù hợp thực tiễn.
Dù vậy, thời gian đầu khi tiếp nhận chức năng này (vốn thuộc cấp huyện), mỗi sở GD&ĐT cần có sự chuẩn bị về thời gian, nhân lực để làm quen vì số lượng công việc nhiều. Trong đó, các khâu từ nắm bắt thông tin chi tiết số cán bộ quản lý, giáo viên ở từng trường học đến việc cân đối giữa nhu cầu chuyên môn, hoàn cảnh cá nhân cũng cần nhìn nhận thấu đáo.
Đồng tình với chủ trương này, bà Nguyễn Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nham (Phù Ninh, Phú Thọ) kiến nghị, cần xây dựng quy trình điều động, biệt phái minh bạch với những tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn giáo viên; đồng thời tham khảo ý kiến từ các trường học về nhu cầu nhân sự trước khi thực hiện phân bổ. Điều này giúp đảm bảo giáo viên được điều động phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế của đơn vị tiếp nhận.
“Trước khi thực hiện điều động, cơ quan quản lý cần tổ chức các buổi trao đổi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để đưa ra quyết định phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu chung vừa tôn trọng hoàn cảnh cá nhân. Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ giáo viên trong quá trình chuyển công tác như trợ cấp di chuyển, hỗ trợ chỗ ở hoặc tạo điều kiện để giáo viên ổn định cuộc sống tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Ngân bày tỏ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục khẳng định, giao sở GD&ĐT quyền bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý, giáo viên hoàn toàn hợp lý. Ngành Giáo dục các tỉnh sẽ có quy hoạch đội ngũ tổng thể, từ đó tiến hành luân chuyển đội ngũ giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu và tuyển dụng đúng nhu cầu thực tế.
“Tôi cho rằng, Nhà nước nên cân nhắc, giao ngành Giáo dục quản lý về tài chính; ngành tài chính chỉ có trách nhiệm phê duyệt tổng thể và giám sát thực hiện. Giáo dục là ngành đặc thù, hiện chỉ quản lý về chuyên môn, còn đội ngũ lại do ngành Nội vụ phụ trách, tài chính cũng không được tự quyết gây ra nhiều bất cập trong triển khai nhiệm vụ. Nếu ngành Giáo dục vừa được quản lý về chuyên môn, đội ngũ và tài chính sẽ đem lại nhiều hiệu quả”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nêu quan điểm.