Hiệp định khung này được ký kết giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Hà Nội sáng ngày 24/5 trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trước câu hỏi của phóng viên về ý nghĩa của Hiệp định, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, Chương trình Hòa bình của Mỹ là một Chương trình lớn của Chính phủ Hoa Kỳ, được Quốc hội cấp ngân sách để thực hiện việc cử tình nguyện viên tới các nước trên thế giới với một chương trình phong phú, trong đó có dạy tiếng Anh. Hiện có 141 quốc gia trên thế giới tiếp nhận chương trình này, trong đó ở khu vực có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar…
Với Việt Nam, trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải năm 2005, phía Mỹ đã đề nghị Chính phủ ta cho phép tình nguyện viên vào Việt Nam. Trải qua một thời gian dài trao đổi, thương lượng, đến nay hai nước ký Hiệp định khung cho phép các tình nguyện viên của Chương trình Hòa Bình vào dạy tiếng Anh ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Hiệp định khung quy định rõ các tình nguyện viên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, không có bất cứ hoạt động nào xâm hại an ninh Việt Nam và chịu sự quản lý của cơ quan hữu quan Việt Nam.
Để triển khai, hai bên cần tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận thực thi với các nội dung cụ thể, ví dụ số lượng tình nguyện viên, chương trình giảng dạy, ở cơ sở nào…, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho hay.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, hai nước đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác về giáo dục-đào tạo, trong đó có việc thành lập Đại học Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu xây dựng trường trở thành trường đại học chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế.
Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác nổi bật giữa hai nước. Tính đến hết tháng 1/2016, có khoảng 28.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á và đứng thứ 7 trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Mỹ so với vị trí thứ 20 trong năm 2006.