Chơi búp bê giúp trẻ phát triển cảm xúc
Theo các nhà khoa học thần kinh từ Đại học Cardiff (Vương quốc Anh), chơi búp bê giúp cả bé trai và bé gái phát triển kỹ năng ngôn ngữ, sự đồng cảm và tình bạn.
Kết quả nghiên cứu này đặc biệt đúng khi thế giới trải qua đại dịch Covid-19, giao tiếp xã hội bị hạn chế khiến việc chơi búp bê mang đến cho trẻ cơ hội bắt chước các cảnh và sự tương tác trong đời thực.
Cụ thể, trẻ em nói nhiều về suy nghĩ và cảm xúc của người khác khi chơi với búp bê hơn là khi chơi trò chơi trên máy tính bảng.
Nghiên cứu được thực hiện trên 42 trẻ em - 20 bé trai và 22 bé gái - từ 4 đến 8 tuổi, cho thấy việc nói về cảm xúc nội tâm của người khác khi chơi giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng xã hội. Điều này có thể giúp giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống và phát triển cảm xúc.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét những gì trẻ nói khi chơi và nhận thấy chúng sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn về suy nghĩ và cảm xúc của người khác, đặc biệt là khi trẻ chơi búp bê một mình.
Giao tiếp xã hội bị hạn chế bởi đại dịch khiến việc chơi búp bê mang đến cho trẻ cơ hội bắt chước các cảnh và sự tương tác trong đời thực. (Ảnh: ITN). |
Tiến sĩ Sarah Gerson, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Khi trẻ tạo ra thế giới tưởng tượng và nhập vai với búp bê, lúc đầu chúng giao tiếp thành tiếng và sau đó tiếp thu thông điệp về suy nghĩ và cảm xúc của người khác.
Điều này có thể có tác động tích cực lâu dài đối với trẻ em, chẳng hạn như thúc đẩy tốc độ xử lý cảm xúc và xã hội cao hơn và hình thành thói quen này suốt đời".
Trẻ em bắt chước những gì chúng thấy từ cha mẹ, giáo viên hoặc bạn bè cùng trang lứa nói và làm, và búp bê cho chúng cơ hội để tái tạo những gì chúng đã thấy và nghe để luyện tập các kỹ năng mà chúng có thể sử dụng trong các tình huống xã hội thực tế.
Khi nghiên cứu trẻ em đang vui chơi, các nhà nghiên cứu nhận thấy hoạt động não bộ tăng lên ở phần não liên quan đến việc phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc. Điều này xảy ra khi trẻ chơi búp bê theo nhóm hoặc một mình và không phân biệt giới tính.
Giúp trẻ đồng cảm với người khác
Chơi búp bê có tác dụng tích cực đối với các bé trai có xu hướng phát triển các kỹ năng vận động muộn hơn một chút so với các bé gái đồng trang lứa. (Ảnh: ITN). |
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi hoạt động của não khi trẻ chơi với búp bê và chơi trên máy tính bảng, chơi một mình và chơi theo nhóm.
Khi quan sát những đứa trẻ chơi búp bê, các nhà nghiên cứu nhận thấy hoạt động não bộ tăng lên ở vùng rãnh thái dương phía sau (pSTS) của não khi chúng nói như thể búp bê của chúng có suy nghĩ và cảm xúc. Vùng pSTS tham gia rất nhiều vào việc phát triển các kỹ năng xử lý cảm xúc và xã hội.
Tiến sĩ Sarah Gerson cho biết thêm: “Ngôn ngữ trạng thái bên trong có thể chỉ ra rằng một đứa trẻ đang nghĩ về cảm xúc của người khác khi chơi búp bê. Kỹ năng này thực sự quan trọng để tương tác với người khác, học hỏi từ người khác và xử lý nhiều tình huống xã hội khác nhau.
Điều quan trọng là tạo dựng và duy trì tình bạn cũng như cách các em học hỏi từ giáo viên và cha mẹ của mình".
Năm 2020, nhóm nghiên cứu tại Vương quốc Anh đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu cho thấy 91% cha mẹ coi sự đồng cảm là kỹ năng xã hội quan trọng mà họ muốn con mình phát triển, nhưng chỉ 26% biết rằng chơi búp bê có thể giúp con họ phát triển kỹ năng này.
Theo nhóm nghiên cứu, khi chơi với búp bê, trẻ sẽ sớm tiếp xúc với việc thay quần áo, cho ăn, tắm và "nấu ăn" trong bếp của búp bê, nơi có nhiều không gian cho trí tưởng tượng. Đặc biệt, mặc quần áo và cởi quần áo cho búp bê có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động của mình.
Đáng nói, chơi búp bê có tác dụng tích cực đối với các bé trai có xu hướng phát triển khả năng tự mặc quần áo và các kỹ năng vận động khác muộn hơn một chút so với các bé gái đồng trang lứa.