Vỏ bọc hoàn hảo của “siêu lừa”
Chiều 10/11, Đội 4 Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52) Công an TPHCM, cho biết đơn vị vừa hoàn thành suất sắc nhiệm vụ bắt giữ kẻ lừa đảo giả danh cán bộ Công an cao cấp để “chạy dự án”.
Đối tượng tên Lê Thanh Hùng (46 tuổi, quê quán Kiên Giang, thường trú ấp Hòa Thượng, Ngọc Đông, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), bị bắt giữ tại phường Trường Thọ quận Thủ Đức vào ngày 3/11.
Trước đó, Hùng được xác định có Quyết định truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền số 21-60 ngày 8/1/2013 của Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TPHCM.
Theo thiếu tá Võ Duy Thắng, Phó đội 4 PC52, đối tượng Hùng là kẻ lọc lõi, cứng đầu, am hiểu những hoạt động trong lĩnh vực của Công an và quân đội.
Thiếu tá Thắng kể khi bị bắt giữ, Hùng tỏ ra rất bình tĩnh: “Tôi là đại tá nằm trong đường dây điệp báo, phản gián của Bộ Quốc phòng, các anh bắt nhầm người rồi”.
Ngay cả khi các trinh sát đưa ra chứng cứ, tài liệu rõ ràng, Hùng vẫn khăng khăng về vai trò “tuyệt mật” của mình trong ngành phản gián. Gã tuyên bố “cấp trên” sẽ sớm có công văn xử lý đội 4 PC52 vì bắt nhầm người.
Tuy nhiên, khi khám xét nhà Hùng, các trinh sát thu giữ hai bộ quân phục cùng quân hàm cấp đại tá, giấy chứng minh sĩ quan quân đội mang tên Lê Viết Thông (đơn vị cấp là Quân khu 7), một số tài liệu, giấy tờ khác và nhiều sim điện thoại.
Đến lúc này, tay Đại tá rởm mới chịu hiện nguyên hình. Việc bắt giữ Hùng là thành quả của quá trình “nếm mật nằm gai” cam go của cán bộ, chiến sĩ Phòng PC52. Lãnh đạo ban chuyên án phải cài cắm trinh sát tại nhiều địa phương, tỉnh thành.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 6/2015, các trinh sát phát hiện đối tượng nghi vấn có nhân dạng giống Hùng liền theo dõi, tiếp cận, nhưng đối tượng đã nhanh chóng cao chạy xa bay.
Lần khác, trinh sát phát hiện Hùng ngồi trên xe hơi đi trên Quốc lộ 1, hướng từ TPHCM ra Bình Thuận, nhưng một lần nữa Hùng cũng kịp trốn được.
Cuộc rượt đuổi “trốn tìm” giữa ban chuyên án kéo dài ngót hai năm, xuyên suốt nhiều tình thành khác nhau và cuối cùng kẻ lừa đảo buộc hiện nguyên hình.
Hồ sơ về đối tượng Hùng cho thấy, năm 2011, Hùng là phó giám đốc Công ty cổ phần văn hóa Vũ Trụ, có trụ sở tại quận Bình Tân. Để tiện bề kinh doanh, Hùng thường tự xưng là “đại tá quân đội”.
Gã vẽ ra những vị trí công tác “tối quan trọng” ở nhiều cơ quan khác nhau. Với hàm Trung tá quân đội tự phong, Hùng câu kết với đối tượng Trần Phi Long (32 tuổi, ngụ Q.7) tuyên bố lo được các loại giấy phép kinh doanh, buôn bán, trong đó có giấy phép karaoke.
Theo thông tin Phòng PC52 cung cấp, năm 2011, ông T.N.Đ giám đốc một doanh nghiệp ở quận 5 nhờ Trần Phi Long lo giấy phép kinh doanh karaoke đã bị thu hồi của nhà hàng Vibox (quận 5) với giá thỏa thuận 800 triệu đồng.
Sau đó, Long chuyển hồ sơ và đưa trước 295 triệu đồng cho Hùng chạy giấy phép. Và Hùng lại đưa hồ sơ này cùng 100 triệu đồng cho Nguyễn Tuấn Anh (37 tuổi, Tổng giám đốc một công ty ở quận Gò Vấp) và người này tiếp tục đưa cho một người đàn ông tên Thành.
Do hồ sơ thiếu giấy phép phòng cháy chữa cháy, Thành đã yêu cầu phải đưa thêm từ 5.000 đến 7.000 USD. Đến tháng 9/2011, Hùng yêu cầu Long chuyển hết số tiền còn lại vì giấy phép sắp xong.
Sau đó, hắn bí mật bỏ trốn khỏi địa bàn cư trú. Liên lạc với Hùng và Long mãi không được, ông Đ. đã tố cáo vụ việc đến cơ quan Công an.
Hàm “Đại tá phản gián”… nhặt được
Không chỉ lừa chạy giấy phép kinh doanh, Hùng còn đứng ra đảm bảo nhận việc ở nhiều ban ngành khác nhau cho “con mồi”. Điển hình, tháng 7/2011 Hùng và Long có gặp chị N.T.M.T (32 tuổi) bảo rằng mình quen biết với lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), hứa giúp chị này xin một suất học tại lớp chuyên khoa 1 của bệnh viện này với giá 100 triệu đồng.
Nhưng sau khi nhận tiền, vị “đại tá” và tên Long cũng trốn biệt. Biết bị lừa, chị T. đã tố cáo vụ việc đến Phòng PC46. Sau khi vào cuộc xác minh, điều tra, Phòng PC46 đã bắt giữ được Long. Hùng lúc đó đã nhanh chân bỏ trốn.
Hùng khai tại cơ quan điều tra, năm 2015 Hùng vô tình nhặt được một bản scan màu Giấy chứng minh sĩ quan mang tên Lê Viết Thông, cấp bậc Đại tá, đơn vị cấp Quân khu 7 tại một tiệm chụp hình, photocopy ở ngã tư đường Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, phường 13 (quận Tân Bình).
Từ bản scan này, Hùng mang về tự cắt ghép hình ảnh của mình mặc quân phục đại tá quân đội để dán vào, ép plastic và tự nhận mình sĩ quan quân đội với quân hàm Đại tá.
Để “nhập vai”, Hùng đến cơ sở bán quân trang của Bộ Quốc phòng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), sử dụng giấy chứng minh sĩ quan quân đội giả này mua hai bộ quân phục cấp tá, một bộ quân hàm đại tá, một bộ ve áo, một huy hiệu binh chủng, đặt làm một bảng tên quân đội mang tên Lê Viết Thông đeo ngực áo…
Với hàm Đại tá “nhặt được” trên đường đi đâu Hùng cũng vênh váo ta đây là cán bộ cao cấp. Đặc biệt, Hùng còn khai với vỏ bọc đó, vào tháng 7/2015 Hùng được cấp 100 ha đất tại một huyện ở tỉnh Bình Thuận để trồng thanh long xuất khẩu (thông tin này hiện chưa được xác minh), nhưng do đất đang tranh chấp nên chưa thực hiện được.
Chi tiết vạch mặt kẻ lừa đảo, theo hồ sơ vụ án lại chính là dấu hiện phát hiện trên cơ thể. Cụ thể, trong thời gian đeo bám các trinh sát phát hiện ngón trỏ tay trái của Hùng bị cụt. Điều khó xảy ra với một sĩ quan (Quy định ngành) nếu không bị thương trong quá trình chiến đấu. Và thực tế cho thấy nhận định này là hoàn toàn chính xác.
Theo nguồn tin trinh sát, có ba địa điểm Hùng thường xuyên lui tới là: Nhà vợ chính ở quận Thủ Đức, nhà gia đình vợ chính ở An Giang và nhà vợ bé ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ngày 4/11, Hùng bị mật phục bắt giữ khi chỉ vừa ghé về nhà ở quận Thủ Đức.
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu được, ngày 4/11, phòng PC52 bàn giao Hùng cho Phòng PC46 Công an TPHCM thụ lý điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Trước đó, tháng 8/2015 Tòa án nhân dân TPHCM đã đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Phi Long 21 năm tù, các bị cáo còn lại từ 3 năm tù đến 14 năm tù giam.