Vợ đổ bệnh sau đám tang chồng
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (41 tuổi, thôn Măng La, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, Kon Tum) gặp chúng tôi khi vừa kết thúc lần xạ trị thứ 16. Dáng chị liêu xiêu trước căn nhà mượn của họ hàng.
Năm 2009, chị Ngọc kết hôn cùng anh Dương Văn Hiệp và có 2 người con. Cháu lớn là Dương Văn An (lớp 5). Cháu nhỏ là Dương Việt Dũng chuẩn bị vào lớp 1. Để phụ chồng trang trải cuộc sống gia đình, thường ngày chị bán nước lề đường nên thu nhập không ổn định. Mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào đồng lương sĩ quan của anh Hiệp.
Từ một con người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, năm 2010, bỗng dưng anh Hiệp bị phù nề, mệt mỏi. Khi đi khám tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm gan. Bẵng đi một thời gian, căn bệnh của anh Hiệp không những không thuyên giảm mà ngày càng trở nặng. Đến năm 2018, sau khi đi khám tại TPHCM anh Hiệp bàng hoàng phát hiện mình bị ung thư gan giai đoạn cuối. Năm 2020, anh qua đời sau 3 năm chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Sau đám tang chồng, chị Ngọc bất ngờ đổ bệnh. Sau nhiều ngày nằm ốm liệt giường, chị Ngọc được người thân đưa xuống bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú giai đoạn 3.
Từ đây, những tài sản, vật dụng có giá trị trong nhà rủ nhau đội nón ra đi. Để có tiền chữa trị, chị Ngọc đành bán nốt căn nhà ở huyện Sa Thầy và chuyển về ở nhờ trong nhà họ hàng. Do chi phí điều trị đắt đỏ, thu nhập ổn định không có, chị Ngọc phải vay mượn tiền từ anh em, bạn bè thêm 80 triệu đồng.
“Tôi đã trải qua 8 lần hóa trị, 16 lần xạ trị rồi, những lần sắp tới không biết kiếm tiền ở đâu để chữa trị. Tôi cũng chẳng biết mình sống được bao lâu nữa. Các bác sĩ chỉ khuyên nên cố gắng lạc quan, tiếp tục được đến đâu hay đến đó”, chị Ngọc tâm sự.
Mong mẹ đừng bỏ chúng con mà đi!
Không có công việc, mọi thu nhập của gia đình chỉ còn nhìn vào hàng nước ven đường của chị Ngọc. Trớ trêu thay, trong những ngày đi chữa bệnh, kẻ xấu đã đánh cắp luôn chiếc mô tơ máy ép mía của chị. Giờ đây, 3 mẹ con chị chẳng còn biết dựa vào đâu để sống.
Những ngày chị Ngọc đi chữa bệnh cả hai đứa con đều phải để ở nhà và nhờ họ hàng đến trông giữ. Dường như hiểu được việc mẹ bị bệnh tật, đau yếu, 2 đứa trẻ cũng rất ngoan ngoãn, vâng lời. Những ngày mẹ vắng nhà, An thường giúp em Dũng tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm rửa chén. Còn em Dũng cũng đã biết phụ anh quét nhà, phơi quần áo. Ngay cả khi mẹ đã trị bệnh trở về, 2 anh em Dũng, An vẫn không quên làm việc đỡ đần cho mẹ.
“Thấy mẹ ốm, vật lộn với những cơn đau con thương mẹ lắm. Con cùng em phụ làm công việc nhà để mẹ bớt vất vả. Con mong mẹ khỏe, sống mãi với chúng con. Con và em sẽ cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn nên mẹ đừng bỏ chúng con mà đi”, em An tâm sự.
Sau nhiều ngày chật vật, chiến đấu với căn bệnh quái ác, chị Ngọc chỉ mong có những giấc ngủ bình yên bên hai con của mình. Chị Ngọc nhớ có những đêm, các con cứ ôm tay mình rồi nói: “Ông nội với bố lên trời rồi, mẹ đừng bỏ tụi con nghe mẹ!”.
“Hai cháu còn quá nhỏ, đứa lớn mới học lớp 5, đứa nhỏ chuẩn bị vào lớp 1. Rồi một mai nếu tôi có lỡ ra sao thì không biết ai lo cho tụi nhỏ. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ sao cuộc đời, số phận này ngang trái quá. Giờ đây, 3 mẹ con chỉ biết nương tựa nhau sống qua ngày. Tôi chẳng thể làm gì được nên khoảng thời gian này chủ yếu nhờ họ hàng qua lại hỗ trợ. Ước gì tôi có sức khỏe, bệnh tật tránh xa mình thì có lẽ các con sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị Ngọc nói trong nước mắt.
Ông Phan Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay cho biết, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc là hộ nghèo "bền vững" tại địa phương. Hoàn cảnh gia đình chị rất bi đát khi chồng mới mất vì ung thư năm trước, đến năm nay, chị Ngọc tiếp tục bị ung thư. Hiện nay, 2 người con của chị Ngọc còn quá nhỏ, không thể tự lo lắng, chăm sóc cho bản thân.
“Hiện, UBND xã đang phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể để vận động quyên góp, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các cháu”, ông Dũng nói.