Bộ LĐ-TB&XH trình đề án hơn 800 tỷ đồng đào tạo lại lao động

GD&TĐ - Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại lao động với chi phí hơn 800 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, số tiền này quá lớn và không phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Theo chuyên gia, việc đào tạo và đào tạo lại cho người lao động mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra cần có sự cân nhắc. Ảnh minh họa
Theo chuyên gia, việc đào tạo và đào tạo lại cho người lao động mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra cần có sự cân nhắc. Ảnh minh họa

Lý giải cho đề xuất hơn 800 tỷ đồng

Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ thực hiện Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại để nâng tầm kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dự thảo đề án đặt mục tiêu thí điểm đào tạo ít nhất 20 ngành nghề mới (hoặc kỹ năng mới) ở trình độ trung cấp và cao đẳng với khoảng 4.800 người học.

Việc đào tạo theo đề án sẽ do các trường cao đẳng, trung cấp nghề đảm nhận trên cơ sở đặt hàng của Nhà nước. Tổng kinh phí dự kiến cho chương trình này khoảng 839 tỷ đồng.

Kinh phí được lấy từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn khác.

Các nghề mới (nghề hình thành trong tương lai) dự kiến được thí điểm đào tạo thời công nghiệp 4.0 gồm: Giải pháp Blockchain; kết nối hệ thống robot; kết nối vạn vật; thiết kế thời trang số; trang trại số.

Bên cạnh đó, chương trình còn đề xuất đào tạo cập nhật kiến thức, kỹ năng cho lao động ở một số nghề như: Công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; tự động hóa; công nghiệp chế biến; nông - lâm nghiệp công nghệ cao; ô tô, cơ khí; năng lượng, du lịch, dệt may... Đào tạo lại nhóm lao động thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, cơ khí, dệt may, da giày, khai khoáng, điện tử... để chuyển đổi nghề.

Lý giải cho đề xuất xây dựng đề án trên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, thời công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội về kinh doanh các ngành nghề mới, kéo theo việc làm mới. Sự thay đổi này cũng khiến nhiều ngành nghề mất đi, máy móc thay thế con người.

Trong khi đó, thực tế chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Kiến thức, kỹ năng học viên học được trong trường dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, có thể không hữu dụng với nền kinh tế thay đổi, dễ bị máy móc thay thế trong tương lai gần.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, Việt Nam cần giải pháp chủ động để ứng phó với những tác động, giải quyết việc làm cho lao động dư thừa…

Hơn nữa, trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, hàng triệu lao động mất việc làm hoặc chuyển nghề nên việc đào tạo và đào tạo lại sẽ giúp họ nhanh chóng thích ứng với công việc mới. Do đó, người lao động cũng mong muốn được hỗ trợ đào tạo lại.

Điều kiện để nhận hỗ trợ đào tạo nghề là đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động, có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Không phù hợp với điều kiện còn khó khăn

Như vậy, đào tạo lại nguồn lao động được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời góp phần điều tiết thị trường lao động, hạn chế thất nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc này sẽ không dễ thực hiện và khó mang lại hiệu quả như kỳ vọng, nếu không có những đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Thậm chí, gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 (đang còn hiệu lực), cũng dự chi khoảng 3 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đào tạo nâng cao trình độ lao động, nhằm duy trì việc làm cho họ. Song, tới nay, khoản dự kiến chi này cũng không giải ngân được.

Theo bà Nguyễn Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty ABS, công tác đào tạo lại của doanh nghiệp cũng cần được hiểu rõ hơn. Đào tạo lại không có nghĩa là doanh nghiệp phủ nhận những kiến thức nhà trường đào tạo cho sinh viên, người lao động. Cần hiểu đào tạo lại có thể là huấn luyện các kỹ năng để quen với các công việc, quen với môi trường làm việc, văn hóa của doanh nghiệp. Kiến thức mà người lao động đã được học vẫn là nền tảng để họ làm tốt công việc ở doanh nghiệp.

“Chúng ta hãy làm tốt ngay một việc, đó là khi học viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề... thì hãy đào tạo những ngành nghề mà xã hội cần, chứ không nên đào tạo thứ mà các trường có. Hàng triệu lao động thất nghiệp và vẫn gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc đào tạo lại nguồn lao động là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, cần có một chiến lược về vấn đề này, trong đó xác định rõ những nhóm ngành, nghề nào thực sự cần thiết để đào tạo cho phù hợp” – bà Ánh nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, với đề xuất Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại lao động với chi phí hơn 800 tỷ đồng mà Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ, cần nghiên cứu thật kỹ bởi đây là số tiền rất lớn. Việc đào tạo và đào tạo lại cho người lao động mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra cần có sự cân nhắc. Bởi đây là tiền ngân sách, tiền của nhân dân.

Một đại biểu Quốc hội cho rằng, thay vì đào tạo lại thì Bộ LĐ-TB&XH nên có những chương trình, kế hoạch dài hạn, những dự án cụ thể ở trong trường đại học, cao đẳng, dạy nghề... để các học viên, sinh viên sau khi học xong ra trường là đi làm được ngay.

Đồng thời, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở một lĩnh vực nào đó thì đặt hàng với các trường đào tạo nghề và được Nhà nước bỏ tiền ra đào tạo. Sau khi đến doanh nghiệp làm việc, nếu thấy cần thiết thì doanh nghiệp sẽ bỏ tiền ra để đào tạo nâng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp.

“Trong điều kiện nước ta hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn mà lại lấy tiền ngân sách để đào tạo lại là không phù hợp” – vị này cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ