Bộ GD&ĐT tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới

GD&TĐ -  Sáng ngày 23/6, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và tháng hành động vì môi trường của ngành giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (giữa) tham quan một gian hàng sản phẩm tái chế của sinh viên tại lễ meeting. Ảnh: Mạnh Tùng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (giữa) tham quan một gian hàng sản phẩm tái chế của sinh viên tại lễ meeting. Ảnh: Mạnh Tùng

Sự kiện diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức; đại diện các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM và hàng trăm học sinh, sinh viên.

Đây là sự kiện thường niên nhằm tuyên truyền, giáo dục, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và toàn thể cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Chủ đề ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn là “Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa” và chủ đề ngày Quốc tế đa dạng sinh học được chọn là “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”.

Các chủ đề này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: Mạnh Tùng

Dẫn các số liệu của Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở nên nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngày Môi trường thế giới 5/6/2023 được phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, với khẩu hiệu “Đánh bại ô nhiễm nhựa” đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ: Cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải trừ rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và cơ chế hợp tác toàn cầu; hướng tới lối sống xanh, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai việc đưa nội dung giáo dục về môi trường, đa dạng sinh học; tài nguyên biển, hải đảo; ứng phó biến đổi khí hậu…vào chương trình các cấp học, các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ý thức bảo vệ môi trường của các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên được nâng cao, tạo dấu ấn trong xã hội. Các hoạt động bảo vệ môi trường thu hút đông đảo giới trẻ tham gia hưởng ứng như Chủ nhật xanh, Vì một Việt Nam xanh, Hãy làm sạch biển…

Nghi thức bàn giao pin cũ cho đơn vị xử lý. Ảnh: Mạnh Tùng

Nghi thức bàn giao pin cũ cho đơn vị xử lý. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị 2 nhiệm vụ với các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên.

Thứ nhất, tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Cụ thể, cần đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định đối tượng ưu tiên, tuyên truyền giáo dục; đưa nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên vào các cấp học phổ thông và các trình độ đào tạo khác.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động tăng cường nghiên cứu với các doanh nghiệp nhằm giải quyết các nhiệm vụ đặt ra; huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để phát triển khoa học công nghệ.

“Tôi tin rằng, với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, tất cả cán bộ, giáo viên, giảng viên và các em học sinh, sinh viên sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa nhằm chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng”, Thứ trưởng nói.

Học sinh, sinh viên xem các tranh vẽ cổ động bảo vệ môi trường tại lễ mít tinh. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh, sinh viên xem các tranh vẽ cổ động bảo vệ môi trường tại lễ mít tinh. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại lễ mít tinh, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động, ngành giáo dục Thành phố đã triển khai, chỉ đạo các trường học hưởng ứng tích cực thông qua nhiều hoạt động đa dạng; hưởng ứng tháng hành động vì môi trường, ngày Môi trường thế giới một cách thiết thực nhất.

“Với ngành giáo dục Thành phố, mỗi cán bộ giáo viên, sinh viên học sinh phải là người tiên phong trong việc thay đổi tư duy, thay đổi thái độ với các hành vi làm tổn hại đến môi trường; có những đóng góp tích cực để cùng chung tay tạo dựng môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững chung”, bà Châu nói.

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM sáng 23/6. Ảnh: Mạnh Tùng

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM sáng 23/6. Ảnh: Mạnh Tùng

Hôm nay, tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, trong đó cuộc thi sáng tác tranh cổ động, thi viết, vẽ về chủ đề bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ