1. Nước và chỉ tiêu
- Trình độ đại học: 43 chỉ tiêu gồm: Anh (5), Ca-na-đa (3), Ô-xtơ-rây-li-a (3), Hoa Kỳ (5), Nga (4), Trung Quốc (4), Pháp (5), Đức (6), Nhật Bản (3), các nước khác (5).
- Trình độ thạc sĩ: 253 chỉ tiêu gồm: Anh (27), Ca-na-đa (15), Đức (30), Hoa Kỳ (27), Ô-xtơ-rây-li-a (27), Niu Di-lân (15), Nhật Bản (27), Pháp (27), Hà Lan (15), Hàn Quốc (10), Liên bang Nga (5), Trung Quốc (15) (gồm cả Đài Loan và Hồng Công) và một số nước khác (13).
2. Ngành học
- Trình độ đại học: Ứng viên trúng tuyển sẽ được gửi đi học các nhóm ngành học sinh đã đoạt giải Olympic quốc tế, đoạt giải quốc tế trong lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật, Thể dục - Thể thao;
- Trình độ thạc sĩ: Ưu tiên tuyển sinh và đào tạo theo ngành/nhóm ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện đảm bảo đào tạo chất lượng và theo nhu cầu thực tế cần ưu tiên đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, các Bộ, ngành và cơ quan khác của nhà nước, bao gồm:
Các ngành công nghệ ưu tiên như: Công nghệ thông tin và truyền thông, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ chế tạo máy và tự động hóa, Công nghệ môi trường; các ngành khoa học và công nghệ lĩnh vực năng lượng nguyên tử; các ngành khoa học cơ bản; các ngành khoa học kỹ thuật; các ngành khoa học y dược; các ngành khoa học nông, lâm, ngư; các ngành khoa học hành chính công; các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
3. Đối tượng và điều kiện dự tuyển
3.1. Đối tượng và điều kiện dự tuyển chung
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khỏe để đi học nước ngoài, không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Có cam kết hoàn thành nghĩa vụ học tập và về nước phục vụ sau khi tốt nghiệp theo quy định, được cơ quan đang công tác (đối với người đi học thạc sĩ) hoặc gia đình (đối với người đi học đại học) xác nhận;
- Trường hợp ứng viên có bằng tốt nghiệp đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng hoặc làm thủ tục công nhận văn bằng tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ các trường hợp đi học theo chương trình học bổng ngân sách nhà nước và học bổng Hiệp định do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý).
3.2. Đối tượng và điều kiện dự tuyển cụ thể
Nội dung | Trình độ đại học | Trình độ thạc sĩ |
Đối tượng dự tuyển | - Học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn cử dự thi và đoạt giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi Olympic quốc tế; | - Giảng viêncơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, có ít nhất 02 năm công tác liên tục tại cơ sở cử đi học; |
Điều kiện cụ thể | - Đã tốt nghiệp trung học phổ thông và là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm thứ hai tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vào thời điểm ban hành thông báo tuyển sinh; | - Được cơ quan đang công tác xét chọn và cử dự tuyển; |
Điều kiện ngoại ngữ |
| - Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của ngoại ngữ sẽ sử dụng trong học tập tương đương trình độ B2 trở lên theo khung tham chiếu Châu Âu do một cơ quan khảo thí quốc tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 02 năm tính đến thời điểm dự tuyển. |
Thời hạn nộp hồ sơ: Trước ngày 31/5/2015 (tính theo dấu bưu điện chuyển hồ sơ đến Cục Đào tạo với nước ngoài).
Lưu ý: Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ được đăng ký trực tuyến (online) và đồng thời được gửi hồ sơ giấy qua đường bưu điện đúng thời hạn quy định.
Ứng viên không nộp lệ phí dự tuyển sẽ không được xét tuyển. Những người khai hồ sơ dự tuyển không đúng và các cá nhân xác nhận sai sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hồ sơ và lệ phí dự tuyển sẽ không được trả lại trong bất kỳ trường hợp nào.
Dự kiến kết quả trúng tuyển sẽ được thông báo tới ứng viên và cơ quan cử ứng viên dự tuyển trong tháng 7/2015. Kết quả trúng tuyển có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày quyết định phê duyệt trúng tuyển được ký ban hành.
Ứng viên chỉ được phép đi học và được cấp kinh phí liên quan sau khi có Quyết định cử đi học của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Ứng viên trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và phải trở về nước phục vụ. Cá nhân nào vi phạm cam kết sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo theo quy định của Nhà nước.
Ứng viên trúng tuyển sẽ được cấp học bổng bao gồm học phí (tối đa 20,000 USD/người/năm) và các loại phí bắt buộc liên quan đến chương trình học tập (nếu có), sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, vé máy bay quốc tế một lượt đi và về theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Thời gian được cấp học bổng sẽ căn cứ vào văn bản tiếp nhận của cơ sở đào tạo ở nước ngoài nhưng không vượt quá 4 năm đối với trình độ đại học, 2 năm đối với trình độ thạc sĩ (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định đối với trường hợp có thời gian đào tạo đại học quá 4 năm, thạc sĩ quá 2 năm theo yêu cầu của chương trình đào tạo tại nước ngoài).
Trong quá trình dự tuyển và kể cả sau khi trúng tuyển đi học theo Đề án 599, nếu nước ứng viên đăng ký đi học có chương trình học bổng Hiệp định của Chính phủ các nước dành cho Việt Nam thì Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên chuyển ứng viên sang dự tuyển, đi học theo chương trình học bổng Hiệp định để tiết kiệm kinh phí đào tạo cho Nhà nước.
Trường hợp người trúng tuyển học bổng ngân sách Nhà nước nhận được học bổng khác của nước ngoài cấp với chế độ kinh phí cao hơn học bổng ngân sách Nhà nước Việt Nam thì việc trúng tuyển học bổng ngân sách Nhà nước sẽ bị hủy bỏ và người trúng tuyển chỉ được hưởng 1 học bổng do nước ngoài cấp.
Nếu học bổng nước ngoài cấp ở mức thấp hơn chế độ hiện hành của học bổng ngân sách Nhà nước Việt Nam thì Bộ GD&ĐT chỉ cấp bù để đạt mức quy định.
Đối với ứng viên dự tuyển trình độ đại học: Căn cứ số lượng ứng viên được tuyển chọn và kinh phí được cấp, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ trong thời gian tối đa 6 tháng trước khi cử ứng viên đi học.
Trường hợp không có từ 10 ứng viên trúng tuyển trở lên cùng một trình độ ngoại ngữ của một ngoại ngữ để tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ tập trung hoặc Bộ không có đủ điều kiện về kinh phí được cấp để tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ, ứng viên phải tự bồi dưỡng đủ trình độ ngoại ngữ để được cử đi học nước ngoài trong thời gian Quyết định trúng tuyển có hiệu lực.