Theo đó, thực hiện công điện số 1671/CĐ-TTg ngày 22/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ; Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; Trung Bộ và Nam Tây Nguyên triển khai các công việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, cụ thể như sau:
Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến về cơn bão và tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở xảy ra trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền tới giáo viên, học sinh, phụ huynh về tình hình cơn bão số 9 và mưa lũ để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên cả trong và ngoài giờ lên lớp.
Đặc biệt chú ý nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn ở khu vực miền núi, nhất là miền Trung và Tây Nguyên;
Đồng thời đảm bảo các hoạt động dạy và học an toàn trong các trường học; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong các trường học. Không tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong và sau khi thiên tai xảy ra;
Cùng với đó thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học. Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản;
Tổng hợp thiệt hại (nếu có) và phương án xử lý báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố để có phương án khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ theo địa chỉ:
Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT - số 35 Đại cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội (liên hệ: ông Nguyễn Chí Bính, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, ĐT 0965248888) để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ có phương án hỗ trợ địa phương.