Bộ GD&ĐT: Công nhận kết quả học trực tuyến nếu bảo đảm yêu cầu

Bộ GD&ĐT: Công nhận kết quả học trực tuyến nếu bảo đảm yêu cầu

Công nhận sau kiểm tra, đánh giá

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, việc dạy và học trực tuyến, dạy học trên truyền hình không phải bây giờ mới đặt ra. Ngay trong quá trình học bình thường, ở nhiều trường, các thầy cô đã sử dụng hình thức này để hỗ trợ học sinh học tập.

Trước tình hình dịch bệnh, ngay từ những ngày đầu, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà trường duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với HS để giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn các em tự học qua hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Khuyến khích giáo viên giao cho HS các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, lúc đó mới đặt ra vấn đề việc học chủ yếu là ôn tập.

Sau đó, vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian nghỉ của học sinh kéo dài, Bộ GD&ĐT có Văn bản số 793/BGDĐT-GDTrH về việc tăng cường dạy học qua

Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19. Văn bản hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, bài học và có biện pháp để hỗ trợ HS học; Tương tác với HS để kiểm soát quá trình học. Giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học trò thực hiện các buổi học qua Internet, trên truyền hình… Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao. Khi HS đi học trở lại, các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình.

 Hướng dẫn như vậy bởi hiện chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc dạy học trực tuyến, trên truyền hình với các yêu cầu về tài liệu, bài học, đội ngũ, hạ tầng… để kiểm soát chất lượng học tập của HS. Bởi vậy, Bộ GD&ĐT đang dự thảo quy định những nội dung này. Nếu địa phương, nhà trường có hệ thống để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình bảo đảm quy định của Bộ GD&ĐT; việc học của học sinh được giám sát, bảo đảm chất lượng thì khi đó, kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học trực tuyến, học trên truyền hình được công nhận. Các nhà trường sẽ công nhận kết quả đó cho học sinh. 
PGS Nguyễn Xuân Thành

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, đây cũng không phải là vấn đề mới. Trong Văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018 mà các trường đang thực hiện, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn: Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: Đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp THCS, THPT).

“Chúng tôi sẽ sớm ban hành quy định này để các địa phương, nhà trường có căn cứ thực hiện” – PGS Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Hướng dẫn cụ thể tinh giản nội dung dạy học

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT có phương án giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học cho HS. Về vấn đề này, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Trong Văn bản số 4612, Bộ GD&ĐT giao các nhà trường chủ động rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; Điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; Không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành… Trong lần này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để cụ thể hơn, Bộ GD&ĐT đang rà soát, tinh giản chương trình và sớm ban hành hướng dẫn, giúp các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, tinh gọn, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu của chương trình, phù hợp với bối cảnh học sinh phải nghỉ dài vì dịch bệnh.

Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh quan điểm cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đặt an toàn của mọi người, trong đó có học sinh, sinh viên, đội ngũ thầy cô giáo lên trên hết.

“Phải luôn bám sát tình hình dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp. Bộ đã 2 lần điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học. Nếu dịch bệnh có thể kiểm soát tốt, hết tháng 3 hoặc tuần đầu tháng 4 HS có thể quay lại trường học, chúng ta vẫn đủ quỹ thời gian để nhà trường, học sinh ôn tập. Nhất là hiện nay, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương, nhà trường có thể dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Với chuẩn bị đó, thời gian hoàn thành chương trình sẽ bảo đảm” – PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Bộ GD&ĐT sẽ theo sát diễn biến dịch bệnh để có phương án hướng dẫn phù hợp bảo đảm quyền lợi cho tất cả học sinh trên toàn quốc. Bởi vậy, mong các em học sinh, thầy cô giáo và cha mẹ học sinh tin tưởng, yên tâm. - PGS Nguyễn Xuân Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.