* Đa dạng nguồn tuyển, các trường bước đầu dự kiến điểm chuẩn
* Những lưu ý đặc biệt với thí sinh khi đăng ký xét tuyển
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu mà thí sinh có thể học được bậc ĐH, CĐ năm 2015 như sau: Ngưỡng tối thiểu đảm bảo xét tuyển ở bậc đại học là 15 và cao đẳng là 12.
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 này, các trường ĐH, CĐ đã thực hiện quyền tự chủ của mình bằng việc lựa chọn lấy điểm xét tuyển thi THPT quốc gia hoặc tuyển sinh theo Đề án riêng.
Càng đến gần ngày nộp hồ sơ theo quy định, nếu các đại học tốp đầu, tốp giữa đã tính đến việc nâng điểm chuẩn thì nhiều đại học tốp dưới lại tính đến việc tuyển sao cho hết chỉ tiêu. Đề thi năm nay thí sinh khó đạt điểm tuyệt đối hơn, nhưng điều này lại giúp phân loại thí sinh tốt hơn.
Đa đạng nguồn tuyển
Năm 2015, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có hơn 720.000 thí sinh dự thi ở cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Tuy điểm cao tuyệt đối không nhiều như năm 2014, nhưng cũng đủ để các trường tốp đầu chọn được thí sinh giỏi. Việc điểm thi phân hóa ở mức dưới cũng tạo điều kiện cho thí sinh có kết quả thi khá, giỏi trượt nguyện vọng 1 nhưng có thể vào nguyện vọng 2 ở những trường tốp giữa.
Thực tế, với mức điểm chuẩn như vậy, xã hội hoàn toàn chấp nhận được vì các nhà trường vẫn tuyển sinh đủ và quan trọng hơn cả là chất lượng đầu vào có điều kiện được nâng lên vì không có cách nào khác là các trường phải mở rộng chỉ tiêu cho nguyện vọng sau.
Phó Cục trưởng Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nghĩa nói: “Với kết quả thi này các trường đại học, đặc biệt là nhiều trường tốp giữa có nguồn tuyển dồi dào thì sẽ càng dễ chọn thí sinh hơn, trường tốp cao thì càng dễ hơn”.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở vì thực tế cho thấy, phổ điểm Bộ GD&ĐT thống kê hơn 72.000 thí sinh dự thi ở cụm thi do các trường đại học chủ trì cho thấy, điểm thi năm đầu của Kỳ thi THPT quốc gia có kết quả khá cao.
Với một phổ điểm đẹp, số thí sinh có điểm thi trong khoảng từ 5 – 7 nhiều sẽ tạo điều kiện cho các trường tốp giữa và tốp dưới, còn các trường tốp trên sẽ chọn lọc ở số ít thí sinh có điểm thi cao nhất.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, cũng như phân tích của một số lãnh đạo các trường đại học, rất có thể điểm chuẩn chung của các trường năm nay sẽ tăng từ 1 - 2 điểm so với năm 2014 tùy theo ngành nghề và độ hấp dẫn thí sinh.
Với những ngành nào điểm đầu vào cao thì vẫn dao động từ 23 - 24 điểm, điểm mức khá là từ 19 - 22 điểm và thấp hơn từ 15 đến 17 điểm.
Số lượng thí sinh tập trung vào phổ điểm ở mức trung bình từ 5 - 7 chiếm tỷ lệ cao nên mức điểm tối thiểu của một số ngành học sẽ tương đương với mức sàn các tổ hợp xét tuyển theo khối thi truyền thống, những khối năm ngoái điểm sàn là 13,5, năm nay ngưỡng điểm sẽ tăng lên 14,5 điểm và số này rất nhiều nên có thể khẳng định các trường sẽ không thiếu nguồn tuyển.
Các trường dự kiến điểm chuẩn
Tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố tiêu chí phụ xét tuyển vào trường. Với trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định, số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu và nếu lấy tăng lên 0,25 điểm thì số thí sinh trúng tuyển lại thiếu so với chỉ tiêu, trường sử dụng tiêu chí xét tuyển phụ với việc xét điểm thi ở các môn.
Sau khi sử dụng tiêu chí phụ 1, số thí sinh trúng tuyển vẫn còn và cao hơn so với chỉ tiêu quá 5% (nếu chỉ tiêu > 200) hoặc 8% nếu chỉ tiêu nhỏ hơn hoặc bằng 200, trường sử dụng tiêu chí phụ 2.
Trường Đại học Điện lực cũng đưa ra dự kiến điểm trúng tuyển vào trường năm nay sẽ nhích hơn so với năm 2014, điểm thi của thí sinh năm nay ở mức 21 điểm đến 22 điểm sẽ nhiều.
Do đó trường sẽ tính toán để lấy thí sinh có điểm thi tốt, có thể sẽ ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh để tập trung nâng chất lượng đào tạo. Trường Đại học Y Hà Nội yêu cầu thí sinh xét tuyển hệ Bác sỹ (Y Đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học Cổ truyền, Y học Dự phòng) phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ tại THPT của 3 môn Toán, Hóa, Sinh lớn hơn hoặc bằng 21 điểm.
Đối với hệ cử nhân (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Y tế Công cộng, Xét nghiệm Y học, Cử nhân Khúc xạ): Thí sinh phải có tổng điểm trung bình của 3 môn Toán, Sinh, Hóa lớn hơn hoặc bằng 18 điểm ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).
Ở phía Nam, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường TPHCM thông báo mức điểm sẽ cao hơn năm trước từ 1 - 2 điểm (ở những khối truyền thống).
Học viện Hành chính quốc gia phía Nam dự kiến ngưỡng điểm năm nay sẽ cao hơn năm ngoái từ 1 - 1,5 điểm. Trường Đại học Bách khoa TPHCM dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ cao hơn năm trước 1 - 2 điểm.
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng cho rằng điểm chuẩn các ngành có thể sẽ ở mức 19 - 20 (chưa nhân hệ số) và ở mức 26 - 28 (sau khi nhân hệ số môn chính).
Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết năm nay có khả năng mỗi khối sẽ tăng 1, 2 điểm. Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM, thông báo, tương tự năm 2014, năm nay khả năng vẫn sẽ có những ngành điểm chuẩn chỉ bằng mức sàn Bộ công bố, như: Truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật tàu thủy, chuyên ngành vận hành khai thác máy tàu thủy...
Theo như nhận xét của nhiều trường ĐH, CĐ, đề thi năm nay có phần cơ bản nên phần lớn những thí sinh khá giỏi có thể làm được. Còn với những câu khó thì thí sinh phải thật giỏi mới làm được.
Do đề thi phân hóa tốt nên phổ điểm sẽ phân bố nhiều ở vùng trung bình nhưng số thí sinh đạt điểm cao, nhất là điểm tuyệt đối sẽ ít đi. Có thể nói, phổ điểm của các môn đều khá “đẹp” do vậy các trường có thể dễ dàng tuyển chọn thí sinh.
Rất có thể năm nay ngưỡng điểm chuẩn của nhiều trường tốp giữa và tốp trên sẽ tăng. Còn đối với khoảng 200 trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh riêng thì một phần chỉ tiêu dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, một phần dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc phổ thông với ngưỡng đảm bảo chất lượng được xác định trong đề án đã công bố.
Sự chọn lựa người học và việc xét tuyển ở mức điểm nào chính là những phân cách cần thiết cho các trường ĐH, CĐ, đồng thời có thể phân tầng các trường đại học nhằm thu hút thí sinh nộp hồ sơ vào.
Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đã phân tích dựa trên kinh nghiệm xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào những năm trước thông qua các yếu tố:
Ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng tùy thuộc số lượng thí sinh dự thi vào từng khối thi của từng năm, hệ số dôi dư để đảm bảo nguồn tuyển, chính sách ưu tiên tuyển sinh theo khu vực và đối tượng và khu vực.
Việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 dựa trên nguyên tắc xét định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dựa vào đảm bảo ngưỡng tối thiểu mà thí sinh có thể học được ở bậc ĐH, CĐ và hệ số dư dôi phù hợp để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường, từ đó tư vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã quyết định: Mức điểm tối thiểu đối với các tổ hợp xét tuyển vào đại học hệ chính quy là 15 điểm, bậc cao đẳng thấp hơn 3 điểm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga