Bộ GD&ĐT: Bảo đảm vừa phòng chống dịch vừa ổn định nền nếp dạy học

Bộ GD&ĐT: Bảo đảm vừa phòng chống dịch vừa ổn định nền nếp dạy học

Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học. theo đó, thời gian kết thúc năm học 2019-2020 trước ngày 15/7/2020; hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8/2020; tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ 8-11/8/2020.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tinh giản nội dung dạy học học kỳ 2, giữ lại những nội dung cơ bản, cốt lõi của chương trình.

Thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình để bảo đảm hoàn thành chương trình năm học 2019-2020 trong bối cảnh học sinh không đến trường trong thời gian dài; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình khi học sinh trở lại trường học tập. Việc dạy học tiếp chương trình và kiểm tra định kỳ, cuối kỳ, hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020.

Những ngày qua, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tổ chức cho học sinh đi học trở lại theo khối lớp và có biện pháp tổ chức dạy học theo từng nhóm học sinh/lớp để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường.

Trong đó, ưu tiên tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trước ít nhất 1 tuần so với các khối lớp còn lại; chia nhóm học sinh/lớp để tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường để bảo đảm yêu cầu giãn cách học sinh trong lớp.

Căn cứ tình hình và kinh nghiệm đã tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học, tiếp tục tổ chức cho các khối lớp còn lại (hoặc chia các nhóm học sinh/lớp) đi học luân phiên nhau theo hướng mỗi học sinh chỉ đến trường một số buổi/tuần.

Không tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh trong trường; tổ chức chào cờ trong lớp học.

Kết hợp giữa dạy học trực tuyến (qua Internet, trên truyền hình) hoặc giao cho học sinh tự học ở nhà và dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành bài học ở trường, bảo đảm hoàn thành chương trình đã được tinh giản trước ngày 15/7/2020.

Tùy theo thời gian học sinh trở lại trường và điều kiện học qua Internet, trên truyền hình, các nhà trường bố trí linh hoạt thời lượng dạy học trên lớp, dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với từng môn học cụ thể.

Đến sáng 4/5/2020, 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trở lại sau 3 tháng nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.

Các nhà trường đã thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT về bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh tại nhà trường. Như: bố trí học lệch buổi; cho học sinh ngồi giãn cách, so le; đeo khẩu trang; vệ sinh, tẩy trùng trường lớp học và thiết bị dạy học; đo thân nhiệt, bố trí nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay cho học sinh…).

Theo thống kê, tỷ lệ học sinh đi học ở cấp THCS là 97% và cấp THPT là 97,6%.

Đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuyển đổi từ phương thức đào tạo trực tiếp sang phương thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến.

Bộ GD&ĐT cũng đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học tổ chức triển khai, xem xét công nhận kết quả học tập, tín chỉ cho học sinh, sinh viên theo hình thức đào tạo trực tuyến.

Các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tốt các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đã có 166 cơ sở giáo dục đại học cho sinh viên đi học trở lại, một số trường tiếp tục duy trì dạy học trực tuyến cho sinh viên.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ