Chiều 10/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo để thông tin về hai đợt thi tuyển sinh ĐH năm 2013. Theo đó, nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến tuyển sinh năm nay được lãnh đạo Bộ giải đáp, trong đó đáng chú ý có việc cộng điểm cho... Bà mẹ Việt Nam Anh hùng gây xôn xao dư luận.
Phóng viên có hỏi về thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 4/7 cho biết Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 sẽ thuộc đối tiện ưu tiên khi dự thi đại học.
Ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho rằng Bộ GD&ĐT ban hành thông tư này nhằm cụ thể hóa pháp lệnh số 04 (Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) và Nghị định 31 của Chính phủ.
Cũng theo ông Khôi, những người có công và con của họ sẽ được chế độ ưu tiên chung, trong đó có ưu tiên trong tuyển sinh và đào tạo: “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được ưu tiên không phải là bà mẹ 80, 90 tuổi mà còn là các bà mẹ có con đi bộ đội ngày nay mà hy sinh trong quân đội, sẽ được nhà nước xem xét phong tặng” - Ông Khôi cho biết thêm.
Theo thông tư sửa đổi của Bộ Giáo dục, bà mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học sẽ được cộng 2 điểm là một trong những quy định thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn thiết thực nhất (ảnh VNE) |
Được biết, ngay sau khi Thông tư 24 được ban hành, trên các diễn đàn, trang mạng đã xuất hiện rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng đây rõ ràng là một quy định quá hình thức vì các đối tượng được quy định ưu tiên trong Thông tư đều đã ít nhất 70 - 80 tuổi, ở độ tuổi đó có ai còn tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nữa. Hơn nữa kể từ khi có quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, thậm chí hầu như không có thí sinh nào là con bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học để hưởng chính sách ưu tiên này.
Tuy nhiên, đấy dường như là cách mọi người đang nhìn nhận ở bề nổi của vấn đề, chưa đúng hẳn với "tâm ý" của các nhà giáo dục khi ban hành Thông tư này. Việc ưu tiên cho đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ là việc nhìn xa, trông rộng, "cộng điểm cho những bà mẹ có con đi bộ đội ngày nay, sẽ được nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu" mà còn có ý nghĩa cực kỳ to lớn là thể hiện truyền thống hiếu học và uống nước nhớ nguồn một cách rõ ràng nhất.
Dân tộc ta có truyền thống hiếu học từ bao đời nay, lịch sử phong kiến việt Nam đã ghi nhận những người phụ nữ vì hiếu học đã dũng cảm vượt qua biết bao rào cản của xã hội thời bấy giờ để cải trang thành nam đi học và thậm chí là đỗ cả tiến sĩ, trở thành vị nữ tiến sĩ đầu tiên trong Lịch sử khoa bảng Việt Nam như bà Vũ Thị Duệ.
Tiếp nối truyền thống hiếu học ấy, trong giai đoạn hiện nay khi đất nước hòa bình độc lập, kinh tế phát triển ổn định, xã hội không còn rào cản đối với chuyện học hành của người phụ nữ, thì việc Bộ GD&ĐT ủng hộ việc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đi thi đại học bằng việc cộng điểm là hoàn toàn hợp lý, nếu không muốn nói là vô cùng đáng tuyên dương.
Không gì có thể chắc chắn rằng bỗng một ngày đẹp trời nào đó không diễn ra việc các bà mẹ Việt Nam anh hùng sau khi đã hy sinh mọi thứ cho gia đình và xã hội lại bỗng dưng nhớ về ước mơ học đại học thời quá khứ chưa kịp thực hiện và quyết tâm hoàn thành ước mơ đó.
Thậm chí, có những mẹ đã có sẵn ước mơ nhưng còn nhiều ngại ngần vì tuổi cao, quy chế chưa có, khi biết được những thông tin về sự ưu tiên này có thể mạnh dạn hiện thực hóa việc đi học đại học của mình.
Thế mới biết rất nhiều người đã hiểu nhầm ngành giáo dục, không những nhầm mà lại nhầm rất to khi lớn tiếng chê trách những người ban hành quy chế ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là làm ăn quan liêu, hình thức, đưa ra những quy định thiếu tính thực tế...
Quả thật, Thông tư 24 được ban hành là một minh chứng vô cùng thuyết phục cho việc nhìn xa, trông rộng, tính toán mở đường cho những việc có thể xảy ra trong vài chục năm tới. Điều này thực sự là niềm an ủi cũng như hy vọng cho ngành Giáo dục đang còn nhiều vấn đề bất cập của nước ta bởi có những người tiến bộ, đi trước thời đại.
Ủng hộ ngành Giáo dục, thậm chí còn có một vài ý kiến cho người dân cho rằng giáo dục hiếu học nên ưu đãi mở đường cho các bà mẹ được đi học đại học để có bằng cấp là vô cùng hợp lý, cứ đà này thì cũng nên tính luôn cả chuyện ưu tiên các mẹ học cả học thạc sĩ, tiến sĩ nữa chứ học đại học đã là gì.
Qua sự việc này, người dân Việt Nam mới có cơ hội biết đến Bộ GD&ĐT là tấm gương yêu nước, luôn luôn tâm niệm, trăn trở việc uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nên mới áp dụng vào ngành mình và ban hành quy chế ưu tiên dành cho các mẹ nói riêng và những người có công với cách mạng nói chung.
Việc này cũng tương tự như việc các tỉnh, thành phố trong cả nước xây những tượng đài về các mẹ vô cùng to đẹp, đặt ở những vị trí trung tâm, để ai nhìn thấy cũng có thể ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của các mẹ.
Vẫn biết trên thực tế, trong lịch sử ngành Giáo dục hiện đại của nước ta hiện nay, kể từ khi có quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, chưa từng ghi nhận trường hợp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nào đi thi hay đi học đại học, thậm chí còn không có thí sinh nào là con bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học để hưởng chính sách ưu tiên này.
Nhưng có ai đánh thuế ước mơ đâu nhỉ! Biết đâu đấy, vào một ngày đẹp trời, lịch sử tuyển sinh đại học, cao đẳng đại học nước ta sẽ có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tham gia thi. Việc đi thi này quả thật vô cùng đáng được khuyến khích, tuyên dương bởi nó không chỉ chứng minh cho truyền thống hiếu học của dân tộc, chứng minh cho công tác đền ơn đáp nghĩa của nước ta khi luôn tạo điều kiện cho các mẹ có thể hoàn thành ước nguyện của bản thân, mà còn khẳng định được sự sáng suốt trong quy chế của các nhà giáo dục khi đã biết nhìn xa trông rộng.
Tuy nhiên, đấy là việc của tương lai khi có trường hợp có người đi thi, còn trong thời điểm hiện tại, khi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất cũng đã hơn 70 tuổi, thôi thì các mẹ cứ gọi là hưởng hương hưởng hoa, nghe chuyện đó mà ấm lòng, cảm động vì đến việc thi đại học thế hệ trẻ còn nhớ đến và lo lắng cho mình.
Người cao tuổi thường hay tủi thân, lo lắng việc con cháu không còn nhớ đến mình. Nên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sau khi nghe được thông tin này chắc hẳn cũng sẽ rất cảm động và hạnh phúc. Quả thật là hạnh phúc khó có thể diễn tả bằng lời.
Theo Ngọc Lê (phunutoday)