Bộ GD&ĐT triển khai nhiều biện pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Bộ GD&ĐT triển khai nhiều biện pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

(GD&TĐ)-Chiều nay (22/12), Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với đoàn giám sát của Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện  luật pháp, chính sách về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 – 2010. Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo Dục Thanh Thiếu niên Quốc hội Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý tham dự buổi làm việc.

fdfdf
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tình hình trẻ em bị xâm hại bởi các thầy, cô giáo chỉ là hiện tượng cá biệt, xảy ra đối với một số thầy cô giáo không có biện pháp sư phạm đúng đắn, nóng nẩy, thiếu kiềm chế. Đối với trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non, hiện tượng này xảy ra chủ yếu tại các cơ sở chưa được cấp phép hoạt động.

Trước mỗi sự việc xảy ra được phản ánh qua các cơ quan báo chí, Bộ GD&ĐT đều có văn bản, chỉ đạo xử lý nghiêm túc. Kết quả là hiện tượng này đã giảm rõ rệt, gần đây không xảy ra vụ việc nào gây hậu quả nghiêm tọng, bức xúc dư luận xã hội.

Về tình hình học sinh đánh nhau, phần lớn đó là vụ việc xích mích nhỏ giữa các học sinh nhưng có sự can ngăn kịp thời nên không xảy ra hậu quả nghiêm trọng; những vụ việc mang tính chất hoặc gây hậu quả nghiêm trọng không nhiều. Đối tượng tham gia đánh nhau phần lớn là học sinh cuối cấp THCS và THPT và xảy ra nhiều ở khu vực đông dân cư, khu vực đô thị hóa và tăng giảm theo từng địa phương, khu vực. Theo nhận định của các Sở GD&ĐT, tình trạng học sinh đánh nhau nhìn chung không tăng nhưng có xu hướng diễn biến phức tạp.

Thực hiện Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cùng các văn bản pháp luật liên quan, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực trong trường học giai đoạn 2008-2010 đã được Bộ GD&ĐT quan tâm triển khai bằng các giải pháp cụ thể như chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn học chính khóa; chỉ đạo tăng cường các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương và gia đình học sinh…

Thứ trưởng Trần Quang Quý (giữa) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Trần Quang Quý (giữa) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn

Để giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em cần phải có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội. Cùng với việc giáo dục từ phía nhà trường, Bộ GD&ĐT kiến nghị, về phía chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật tại gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư. Các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa; có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, không cho phép tổ chức các hoạt động giải trí, trò chơi trực tuyến hoặc lưu hành các đồ chơi, phim ảnh, sách báo mang tính bạo lực; nghiêm cấm các game bạo lực…

Các tổ chức đoàn thể cần tăng cường vai trò mạnh mẽ trong giáo dục, định hướng lối sống lành mạnh cho thanh thiếu niên, HSSV; tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giải trí lành mạnh…Gia đình học sinh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con cái, không phó mặc con em mình cho nhà trường và xã hội, quan tâm nâng cao văn hóa gia đình.

Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị với Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống và phòng chống bạo lực trong học sinh giai đoạn 2012-2020 nhằm huy động các nguồn lực xã hội và phân công rõ trách  nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác này.

xcxc
Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo Dục Thanh Thiếu niên Quốc hội Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn

Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn giám sát đã đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ thêm những tồn tại, khó khăn, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cùng hướng giải quyết trong thời gian tới; bổ sung một số nội dung liên quan đến giáo dục mầm non cũng như đề cập đến vấn đề cơ chế thu thập thông tin; tổ chức hoạt động ngoại khóa; hoạt động ngoại khóa và năng lực của giáo viên chủ nhiệm…

Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo Dục Thanh Thiếu niên Quốc hội Ngô Thị Minh ghi nhận những cố gắng nỗ lực của Bộ GD&ĐT đối với việc thực hiện luật pháp, chính sách về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian qua, đồng thời có nhiều đề nghị nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện vấn đề này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, vấn đề bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã có những việc làm quyết liệt, đồng thời thể hiện rõ quan điểm đề nghị nhà trường tăng cường phối hợp, không đẩy những học sinh vi phạm ra ngoài xã hội. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh phải mạnh mẽ trong việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ...  

Hiếu Nguyễn
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ