Bộ GD&ĐT trả lời về vấn đề lạm thu trong nhà trường

Bộ GD&ĐT trả lời về vấn đề lạm thu trong nhà trường

(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn của đồng chí Mai Thị Ánh Tuyết - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về vấn đề chấn chỉnh lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Nội dung chất vấn:

Trong thời gian qua cử tri rất bức xúc về việc phát sinh nhiều khoản đóng góp ngoài quy định. Trước tình hình này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 5956/BGDĐT-KHTC ngày 20/9/2010 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Vậy xin Bộ trưởng cho biết kết quả đến nay đã ngăn chặn được tình hình thu nhiều khoản đóng góp ngoài quy định chưa? Hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới. Bộ có chủ trương nào để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục có được kinh phí để trang bị thiết bị, sửa chữa... khi không thu các khoản ngoài quy định này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Ngày 20/9/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 5956/BGDĐT-KHTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, nhằm chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục.

Thực hiện yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của 63/63 tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành văn bản qui định công tác thu, chi ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học mới, trong đó quy định rõ những khoản được phép thu của học sinh và chỉ đạo kiên quyết việc hoàn trả lại học sinh những khoản thu trái quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 3 đoàn công tác, bao gồm đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục thuộc Bộ đi kiểm tra trực tiếp tại 8 tỉnh từ ngày 20/9/2010 đến ngày 30/9/2010, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tại mỗi tỉnh, các đoàn kiểm tra của Bộ đều phối hợp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo đi kiểm tra thực tế tại một số trường phổ thông, trường mầm non trên địa bàn. Qua kiểm tra, có thể đánh giá chung như sau:

- Hầu hết các tỉnh, nhất là các thành phố lớn, đều có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác trong năm học, giúp các cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện, đồng thời công khai hóa các khoản thu, chi cho xã hội và người học giám sát, đánh giá. Cụ thể như: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn số 6585/SGDĐT-KHTC ngày 20/8/2010; Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh có công văn số 1842/GDĐT-KHTC ngày 13/8/2010; Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng có công văn số 771/SGDĐT-KHTC ngày 23/9/2010; Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên có công văn số 1343/SGDĐT-KHTC ngày 28/9/2010; Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình có công văn số 1552/SGDĐT-KHTC ngày 15/9/2010; Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang có công văn số 2127/UBND-VX 30/9/2010; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có công văn số 3878/UBND-MT ngày 11/10/2010;...

- Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo đều lập kế hoạch tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tình hình thu, chi, kiểm tra việc thực hiện công khai tài chính, công khai các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân... tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.

- Hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn được kiểm tra đều thực hiện Quy chế công khai theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, hàng năm các trường phải công bố công khai việc thu, chi các nguồn kinh phí bao gồm cả nguồn thu của phụ huynh học sinh và nguồn xã hội hóa vào tháng 5, 9 và tháng 12 hàng năm ở nơi phụ huynh và học sinh có thể đọc dễ dàng được để người học và xã hội kiểm tra, giám sát, đánh giá. Mặc dù nội dung và các tiêu chí công khai còn có những mức độ khác nhau nhưng bước đầu hoạt động này đã dần vào nề nếp trong các cơ sở giáo dục.

- Tại một số cơ sở giáo dục, khi kiểm tra đã phát hiện vi phạm quy định thu, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã có biện pháp xử lý ngay, như: Sở GDĐT Đà Nẵng yêu cầu trường tiểu học Trần Văn Ơn trả lại cho cha mẹ học sinh 87,1 triệu đồng thu sai quy định; yêu cầu trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ dừng ngay thông báo thu sai quy định; Sở GDĐT Thừa Thiên - Huế đang xem xét xử lý sai phạm của 02 trường vì thực hiện thu sai quy định đầu năm học 2010-2011, đó là trường THPT Nguyễn Trường Tộ và trường THPT Bùi Thị Xuân...

Ngày 18/10/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 6890/BGDĐT-KHCT gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đóng góp tự đứng ra tổ chức thực hiện việc xây dựng, mua sắm với sự thỏa thuận và hướng dẫn của nhà trường. Việc đóng góp phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tuyệt đối không được ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Việc quản lý và sử dụng kinh phí đóng góp tự nguyện phải theo đúng qui định của pháp luật, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã sử dụng để để người học và các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí tham gia giám sát, đánh giá. Như vậy, ngoài ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ yếu thì các nguồn huy động đóng góp của cộng đồng là hết sức quan trọng, giúp các nhà trường có thêm nguồn lực để mua sắm bổ sung thiết bị đồ dùng dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất trường, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và nhà nước. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương kiểm tra tình hình thực hiện các hướng dẫn trên và sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các địa phương để chỉ đạo, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện theo tinh thần công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010.


Bộ GD&ĐT

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ