Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn về vấn đề dạy thêm, học thêm

Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn về vấn đề dạy thêm, học thêm

(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề dạy thêm, học thêm trong các cơ sở giáo dục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng chí Võ Ngọc Thứ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang chất vấn:

Trong thời gian vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm đến cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó có Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 ban hành quy định dạy thêm và học thêm. Tuy nhiên việc học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan theo chiều hướng tiêu cực làm ảnh hưởng đến thời gian tự học, vui chơi của trẻ em, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh phải lo toan tiền học thêm cho con em. Mỗi học sinh phải chi từ 450.000đ đến 600.000đ cho 2 đến 4 môn học thêm. Thầy, cô dạy thêm mỗi tháng thu nhập gấp 1,5 lần đến 2 lần lương được nhận từ nhà trường.

Vậy xin hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

1. Vì sao hệ thống giáo dục đào tạo thực hiện Quyết định 03 này chưa nghiêm và Bộ trưởng có chỉ đạo gì công tác này trong thời gian tới?

2. Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế và đi đến chấm dứt việc học thêm, dạy thêm ở dạng này đang tồn tại và phổ biến như hiện nay?


Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chất vấn:

Tình trạng dạy thêm, lạm thu trong trường học đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, gây bức xúc trong dư luận. Đề nghị Bộ trưởng cho biết với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ đã làm gì để giải quyết tình trạng trên, những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

1. Để quản lý dạy thêm, học thêm, ngày 31/01/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn.

Đến nay, hầu hết các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn, đồng thời đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số tỉnh, thành phố, hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:

- Việc quản lý dạy thêm, học thêm của các cơ sở giáo dục ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa nghiêm.

- Một số giáo viên còn có tư tưởng vụ lợi trong việc dạy thêm, học thêm.

- Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố) đối với việc thực hiện Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT về dạy thêm, học thêm chưa thường xuyên, hiệu quả.

- Các vi phạm về dạy thêm, học thêm tràn lan chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

2. Để hạn chế, đi đến chấm dứt việc dạy thêm, học thêm tràn lan và thực hiện nghiêm Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiến hành các giải pháp sau đây:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và phụ huynh học sinh về các chủ trương của ngành, của địa phương về quản lý dạy thêm, học thêm.

- Chủ động bàn bạc, trao đổi, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp quản lí, các ngành chức năng đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm; mở rộng công tác tham gia giám sát của các đoàn thể ở địa phương và trong nhà trường, của Hội cha mẹ học sinh đối với việc dạy thêm, học thêm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, kịp thời các sai phạm trong việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm.

- Tiếp tục chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường phổ thông (theo công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) với mục đích thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

- Chỉ đạo thực hiện hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giảm (theo công văn 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho học sinh, phụ đạo tại lớp đối với học sinh có học lực yếu kém.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách cải thiện đời sống của giáo viên.

- Về lâu dài, xây dựng lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi cử theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. 

Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ