Bộ GD-ĐT gặp mặt ĐBQH công tác trong ngành GD

Bộ GD-ĐT gặp mặt ĐBQH công tác trong ngành GD

Tham dự cuộc gặp mặt có GS Đào Trọng Thi, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, đại diện một số Uỷ ban của Quốc hội; 42 đại biểu Quốc hội công tác trong ngành Giáo dục; GS.TS Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, đơn vị trực thuộc Bộ.

Bộ GD-ĐT gặp mặt ĐBQH công tác trong ngành GD ảnh 1
42 đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII công tác trong ngành Giáo dục đã tham gia buổi gặp mặt (ảnh: gdtd.vn).

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TS Phạm Vũ Luận đã báo cáo tới các đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục từ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đến nay.

Theo đó, trong năm học 2009 – 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo nhiệm vụ năm học. Toàn ngành tích cực triển khai chủ đề năm học “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch thời gian năm học và Chỉ thị nhiệm vụ năm học đối với giáo dục địa phương. Các cấp ủy Đảng, ban ngành, đoàn thể ở địa phương tiếp tục quan tâm và tích cực hỗ trợ cho ngành Giáo dục.

Cùng đó, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã chỉ đạo kịp thời các Sở GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ năm học; đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học tại một số địa phương…

Trong năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức giao ban 2 lần theo 7 vùng. Lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc đã chủ trì và dự họp giao ban tại các vùng, nắm bắt tình hình giáo dục của các địa phương, giải quyết kịp thời những khó khăn cần tháo gỡ với các địa phương…

Sau 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đến nay đã có 100% các trường tham gia phong trào thi đua. Cảnh quan và điều kiện cơ sở vật chất của các trường đã được cải thiện nhanh chóng, có cây xanh bóng mát, có lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Số công trình vệ sinh đã tăng thêm 20% so với trước, nâng số trường có công trình vệ sinh lên 38.893 trường, đạt 96,7%, trong đó có 83,9% đạt vệ sinh…

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ đã được chú trọng. Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn và duy trì PCGD tiểu học – chống mù chữ. Đến nay, 52/63 tỉnh, thành đã đạt PCGD tiểu học đúng độ tuổi, đạt 82,5%.

Thứ trưởng Thường trực Phạm Vũ Luận cũng cho biết, kết quả giải ngân trái phiếu Chính phủ đến 30/4/2010 là 8.055,659 tỷ đồng, đạt 97,3& so với kế hoạch vốn được giao… Đến nay, số phòng học đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là 41.695/57.563 phòng, đạt 72,4%. Số phòng học đang xây dựng là 14.088 phòng, chiếm 24,5% kế hoạch. Số phòng công vụ đang xây là 4.160 phòng, chiếm 21,6%. Số phòng công vụ chưa triển khai là 454 phòng, chiếm 2,3% kế hoạch.

Từ đầu năm 2009 – 2010, đội ngũ giáo viên các Sở đã tuyển dụng, bố trí đảm bảo chỉ tiêu biên chế được giao, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện chuyên môn tốt. Tỷ lệ các bộ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiêp vụ ở các tỉnh đều đạt trên 90% so với tổng số cán bộ, giáo viên. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, tỷ lệ đảng viên ở các tỉnh đạt từ 33% đến 37,2% tổng số cán bộ, giáo viên...

Trao đổi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu Quốc hội đã hoan nghênh sự chuẩn bị rất chi tiết của Bộ trong việc cung cấp các thông tin quan trọng về ngành, điều này giúp các đại biểu Quốc hội có tư liệu, nắm bắt được tình hình trong ngành, từ đó đại biểu Quốc hội công tác trong ngành Giáo dục có thể tuyên truyền và phản ánh lại với dư luận xã hội về tình hình chung của ngành cũng như các mặt công tác cụ thể.

Đại biểu Quốc hội cũng có nhận xét về việc sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều mặt công tác, từ những vấn đề tưởng là “nhỏ” như việc học sinh đánh nhau (là một hiện tượng không phổ biến trong học sinh), nhưng Bộ đã có những chỉ đạo và đánh giá rất nghiêm túc, đến vấn đề lớn như chất lượng giáo dục, đào tạo (đại biểu cũng cho rằng chất lượng giáo dục, đào tạo đã ngày càng được nâng cao)...

Đại biểu Quốc hội cũng nhận định: Bên cạnh những mặt đạt được, Giáo dục và Đào tạo vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, thậm chí có một số vấn đề cũng gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, vẫn còn những bức xúc cũng là điều dễ hiểu vì giáo dục liên quan đến mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội, nên có nhiều đòi hỏi được đặt ra song không thể giải quyết được ngay, muốn giải quyết có vấn đề cần đặt ra lộ trình để giải quyết.

Bộ GD-ĐT gặp mặt ĐBQH công tác trong ngành GD ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng đóng góp ý kiến cho Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: gdtd.vn).

Cũng trong buổi gặp mặt, một số đại biểu Quốc hội đã nêu ra những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Đó là về chủ trương bỏ kỳ thi ĐH; Về phân ban ở THPT; Vấn đề xây dựng KTX cho sinh viên; Chất lượng đào tạo từ xa; Đào tạo ở phân hiệu 2, 3;...

Đại biểu Quốc hội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét việc lấy ý kiến các hội khoa học của Việt Nam trong việc phản biện các vấn đề của giáo dục (như tham gia vào xây dựng chương trình giáo dục...). Vì thực tế tham gia các hội khoa học có đông đảo các nhà khoa học, các trí thức về hưu vẫn còn nhiều nhiệt huyết và năng lực để cống hiến, đóng góp cho ngành Giáo dục.

Một đề nghị của đại biểu Quốc hội là Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn đến đối tượng sinh viên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong xây dựng học phí mới.

Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo. Việc tạm ngừng đào tạo một số ngành ở một số cơ sở đào tạo là thể hiện sự nghiêm minh, đồng thời thể hiện với xã hội là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt về mặt quản lý, đó cũng là cơ hội để chấn chỉnh hoạt động đào tạo của các trường.

Ngay tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đưa ra những thông tin liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội có ý kiến. Thứ trưởng TT cho biết, vấn đề bảo đảm chất lượng đào tạo rất được Bộ chú trọng, những cơ sở đào tạo không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngành học nào thì sẽ ngừng đào tạo ngành học đó để chấn chỉnh lại. Thứ trưởng Thường trực Phạm Vũ Luận cũng thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đối với ngành Giáo dục.

Quang Anh  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ