Cụ thể, chỉ thị do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký yêu cầu triển khai công tác minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ và Công văn số 10575/BCT-TTB ngày 24/10/2014 của Bộ Công Thương về việc triển khai, tổng hợp, báo cáo công tác minh bạch tài sản, thu nhập (được đăng tải trên website của Bộ Công Thương tại Mục Phòng, chống tham nhũng).
Văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng quy định về việc xây dựng, triển khai kế hoạch, thực hiện kê khai, công khai bản kê khai, xác minh, xử lý về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2016.
Thanh tra Bộ làm đầu mối thanh tra, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo công tác minh bạch tài sản, thu nhập của Bộ Công Thương.
Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức kê khai, công khai, tổng hợp, báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập của Khối Cơ quan Bộ
Khối này bao gồm: Lãnh đạo Bộ, Văn phòng Bộ, Ủy ban, Ban thuộc Bộ, Thương vụ tại nước ngoài, Người được Bộ cử làm Kiểm soát viên, đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần thuộc Bộ...
Báo cáo gửi về Bộ Công Thương (qua Thanh tra Bộ) bằng văn bản và thư điện tử trước ngày 15/4/2017.
Nghịch lý lương cao
Mức lương của lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước luôn được xã hội quan tâm. Nhìn vào mức thu nhập của lãnh đạo các doanh nghiệp lớn này, dư luận sẽ đánh giá được mức độ hoạt động của doanh nghiệp, mức chi trả tiền lương có tương xứng với công sức điều hành của lãnh đạo các doanh nghiệp đó hay không.
Theo thống kê của Bộ Công Thương công bố giữa tháng 6/2016, lương của các vị lãnh đạo tập đoàn nhà nước năm 2015 cũng dao động trong khoảng tương tự. Như tại Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, lương năm 2015 của ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐQT bình quân một tháng là 52,2 triệu đồng, ông Đặng Thanh Hải – Tổng giám đốc là 50,7 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 vừa được công bố, doanh thu toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) năm 2015 khoảng 76.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 470 tỷ đồng. Các con số này của năm 2014 tương ứng 78.000 tỷ đồng và 2.198 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của Vinacomin giảm tới 70% so với năm 2014, trong khi ba năm trước đó đều trên 2.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (công ty mẹ) sử dụng khoảng 584 lao động tính đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng, năm 2014 là 30,5 triệu đồng một tháng. 17 lãnh đạo quản lý thu nhập bình quân 624 triệu đồng một năm, giảm so với mức 726 triệu đồng trước đó.
Mặc dù giá cao su liên tục rớt trong những năm gần đây, song 13 lãnh đạo quản lý doanh nghiệp vẫn có thu nhập bình quân khoảng 527 triệu đồng một năm. Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thu nhập lãnh đạo khoảng 850 triệu đồng năm 2015.
Ngoài ra, thu nhập của 10 lãnh đạo tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) dự kiến trung bình khoảng trên 1,4 tỷ đồng.
Các lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có mức thu nhập đáng kể. Trong số 13 thành viên quản lý tập đoàn, thu nhập bình quân của mỗi lãnh đọ đều ở mức trên dưới 600 triệu đồng trong năm 2015.
Trong khi báo cáo hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) tổng lợi nhuận hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN (chưa có lỗ chênh lệch tỷ giá) đạt 5.814 tỷ đồng. Lỗ chênh lệch tỷ giá của Tập đoàn EVN là 6.371 tỷ đồng.
Sau khi bù trừ, tính chung, EVN cho biết, tập đoàn này bị lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thuế tổng cộng 716 tỷ đồng.
Theo Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, thù lao cao nhất cho chủ tịch hội đồng thành viên một doanh nghiệp nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, tương đương 432 triệu đồng/năm.