Bộ Công an tăng cường xử lý “song ma” trong năm 2021

GD&TĐ - Bộ Công an vừa ra kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Lực lượng CSGT Nghệ An làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên QL 1A.
Lực lượng CSGT Nghệ An làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên QL 1A.

Kế hoạch xử lý ma men, ma tuý này được thực hiện từ ngày 15/3 - 31/12. 

Chủ động ghi hình các hoạt động tuần tra, kiểm soát

Các tổ công tác sẽ tập trung tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm... Các địa bàn gần bến xe, cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng cũng được tăng cường...

Theo Bộ Công an, trọng tâm của đợt ra quân là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Qua đó, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Trong kế hoạch, các Tổ CSGT phải được trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Đặc biệt, sử dụng camera đã được trang bị, nhất là camera mini để ghi nhận lại hoạt động trong ca công tác.

Đối với các trường hợp lái xe không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Lực lượng CSGT kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy....

Đặc biệt, khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn phải kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính. Qua đó, phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Công an cũng yêu cầu đối với các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy phải tổ chức xác minh về nhân thân để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy. Cùng với đó, kiến nghị với ngành Giao thông vận tải có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Đáng chú ý, Lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ tập trung điều tra, làm rõ các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng chất ma túy, rượu bia. Tổ CSGT xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phục vụ cho công tác phòng ngừa xã hội.

Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ lái xe.
Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ lái xe.

Hà Nội phạt hơn 200 tỷ đồng người vi phạm

Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định số 100) của Chính phủ đã tác động tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông. Nó thực sự là “liều thuốc” để trị căn bệnh “nhờn” luật và ngăn chặn các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 100, Công an TP Hà Nội đã huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm góp phần ổn định trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị định 100, đơn vị đã xử lý trên 430.000 trường hợp vi phạm pháp luật giao thông. Phạt thành tiền trên 200 tỷ đồng, tạm giữ hơn 20.000 phương tiện, 120.000 bộ giấy tờ.

Theo Đại tá Hải, cùng với kết quả xử phạt tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã có những dấu hiệu tích cực, giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương.

Trong năm 2020 đã xảy ra 427 vụ tai nạn giao thông làm chết 440 người và bị thương 116 người (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 60 vụ, 75 người chết và 21 người bị thương). Đáng chú ý, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tác hại của rượu bia đã giảm sâu…

Là người trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường phố, Thiếu tá Tạ Xuân Hậu, Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, ý thức, trách nhiệm của người dân về việc không uống rượu bia khi lái xe đã được nâng lên rõ rệt, số lượng vi phạm giảm hẳn so với trước khi Nghị định số 100 có hiệu lực.

“Ý thức chấp hành yêu cầu kiểm tra cao, nhiều người dân chủ động chuyển sang đi các phương tiện công cộng khi sử dụng rượu bia. Bởi vậy, số lượng phương tiện dừng đỗ tại các hàng quán cũng giảm đáng kể…”, Thiếu tá Hậu nói.

Trong thời gian tới, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tiếp tục kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Đặc biệt, là các trường hợp lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.