Cán bộ chưa được tập huấn
Quyết định 1172/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Đề án). Theo đó, Bộ Công an phải phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ liên quan xây dựng Đề án.
Qua đó, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có đủ điều kiện để thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can kể từ ngày 1/1/2018. Chậm nhất đến ngày 1/1/2020 thì thực hiện thống nhất ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 24/12, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V19) – Bộ Công an cho biết sẽ lùi lại việc thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung so với kế hoạch. Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, hiện chưa chuẩn bị được trang thiết bị, tập huấn cán bộ cho công việc hỏi cung có ghi âm, ghi hình nên phải lùi lại thời gian.
Trung tướng Ngọc Anh cung cấp thêm, cho đến thời điểm hiện tại mới có 5 cơ quan công an địa phương thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh có cuộc hỏi cung.
Việc chưa đủ trang thiết bị để thực hiện việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung, LS Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói: “Hầu hết các căn hộ ở nước ta hiện nay người dân đều tự trang bị đầy đủ các phương tiện nghe nhìn. Như vậy, các buồng hỏi cung, phòng xét xử được trang bị phương tiện ghi âm, ghi hình không phải vấn đề khó!”.
Theo LS Đinh Anh Tuấn, cái khó có lẽ nằm ở chỗ người ta chưa quen áp dụng quy định này. “Tôi hy vọng trong tương lai gần, không chỉ việc hỏi cung bị can mà mở rộng ra cả các hoạt động khác như lập biên bản ghi lời khai của người bị tạm giữ, diễn biến phiên tòa xét xử của tòa án… cũng cần được ghi âm, ghi hình và lưu trữ đầy đủ” – LS Đinh Anh Tuấn nói.
Khó khăn trong việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can?
Luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, ghi âm, ghi hình trong hỏi cung rất quan trọng và là quy định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Để hướng dẫn thi hành điều luật này, ngày 1/2/2018, Bộ Công an, Viện KSNDTC, TANDTC, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP “Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử”.
Về việc thời điểm thực hiện ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị lùi lại, LS Đinh Anh Tuấn cho rằng: “Đây là Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu việc này bị chậm thì có lẽ do cơ sở vật chất chưa chuẩn bị kịp. Còn về căn cứ pháp lý thì đã rất rõ ràng, không có gì phải bàn cãi”.
Về tầm quan trọng của kế hoạch này, LS Tuấn khẳng định: “Việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can nhằm bảo đảm hoạt động hỏi cung bị can tuân thủ các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo vệ quyền con người của bị can đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, không để xảy ra những hành vi mớm cung, bức cung, nhục hình”.