Bỏ biên chế: Không thể tiếp tục né tránh

GD&TĐ - Đây là quan điểm của TS Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Ủy viên viên thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam – khi trao đổi về vấn đề thực hiện hợp đồng giáo viên.

Bỏ biên chế: Không thể tiếp tục né tránh

Duy trì biên chế cứng sẽ khó khăn trong vận hành hệ thống quản lý‎ giáo dục

Nhấn mạnh bỏ biên chế giáo viên là một chủ trương đúng và phù hợp với quy luật, TS Lê Viết Khuyến phân tích:

Nếu nền kinh tế theo cơ chế tập trung bao cấp như trước đây, nhà nước đặt hàng, bao cấp toàn bộ các hoạt động đào tạo thì khái niệm giáo viên ở mọi cấp đương nhiên là phải trong biên chế.

Nhưng khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận tác động của cơ chế thị trường, phải thừa nhận có tồn tại một thị trường nhân lực, không ngoại trừ nền giáo dục cũng vậy. Như vậy, cũng phải chấp nhận có lúc thừa nhân lực này, thiếu nhân lực khác. Vì thế, việc duy trì biên chế cứng sẽ làm vận hành hệ thống quản lý giáo dục gặp khó khăn.

Đó là chưa nói, hướng tới các cơ sở giáo dục ĐH và chuyên nghiệp phải hoạt động trên cơ sở tự cân đối thu chi. Nghĩa là ngân sách chi thường xuyên của nhà nước cho khu vực này có thể nói là không còn nữa. Nếu tự cân đối thu chi, bản thân các cơ sở giáo dục phải có sự điều chỉnh lực lượng lao động, cơ cấu nhân lực phù hợp chứ không thể theo cơ cấu cứng. Do đó, việc để giảng viên theo chế độ biên chế không hợp lý nữa.

Một lý do nữa, theo TS Lê Viết Khuyến, từ lâu người ta cũng đã thấy được hạn chế của cơ chế biên chế là giới hạn động lực người làm việc. Chưa nói, nếu duy trì biên chế cứng, những người mới được đào tạo ra sẽ rất khó tìm chỗ làm. Lâu nay, giáo viên đã được coi là thuộc luật Viên chức, trong đó có cơ chế hợp đồng, nhưng thực ra giáo viên vẫn được xem như loại viên chức đặc biệt.

Không thể tiếp tục né tránh

TS Lê Viết Khuyến

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, bỏ biên chế giáo viên là chủ trương rất chính xác và ngành Giáo dục không thể cứ né tránh.

Nhưng vấn đề là thực hiện chủ trương đó như thế nào, vì thực tế có những chủ trương đúng nhưng gặp khó khăn trong triển khai rồi cuối cùng không đi được vào cuộc sống.

Với chủ trương này, theo TS Lê Viết Khuyến, trước hết cần phải tuyên truyền rộng rãi để xã hội hiểu, lao động trong các nhà trường, cơ sở giáo dục cũng cần phải tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường; đồng thời cho xã hội thấy cái lợi của việc chuyển từ lao động biên chế sang cơ chế hợp đồng…

“Chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường gần 30 năm, nếu muốn thế giới công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, không thể đặt ngành Giáo dục ra ngoài cuộc” - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Giải pháp tiếp theo được TS Lê Viết Khuyến gợi ý là phải thiết kế hệ thống đồng bộ; trong đó có việc làm rõ cơ chế là quyền quyết định ở một mình hiệu trưởng hay ở một tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường) để tăng dân chủ trong nhà trường. Với giáo dục ĐH, chủ trương này đã có từ lâu.

Hội đồng trường là đại diện cho quyền lợi của cộng đồng xã hội, không phải của một nhóm người và đó phải là một hội đồng quyết định, định ra đường lối phát triển nhà trường, cơ cấu nhân lực, có quyền giám sát hoạt động của ban giám hiệu nhà trường, thậm chí có quyền tuyển chọn hiệu trưởng.

“Nếu làm được như thế sẽ giải tỏa mối lo hiệu trưởng chuyên quyền. Ở 1 số nước phát triển, đối với các ĐH, thành phần hội đồng trường không chỉ có thành phần trong trường mà còn có những đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội, được cộng đồng xã hội chọn đưa vào để đại diện cho họ. Bên cạnh đó, thành viên của hội đồng trường không được hưởng lương, phụ cấp mà tham gia vào đó như một vinh dự. Như vậy mới có tiếng nói khách quan” – TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, còn rất nhiều việc cần phải làm để đi tới câu chuyện bỏ biên chế và đây phải là một quá trình được cân nhắc chuẩn bị thật kĩ càng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ