(GD&T Đ) - Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng tại thuộc thôn Nga Mân xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi do KTS Nguyễn Ngọc Dũng và các cộng sự thực hiện trong năm 2006. Khu đất xây dựng có diện tích 2.600 m2, với diện tích sử dụng chia cho từng tầng. Sân vườn và hồ nước cũng chiếm một diện tích khá lớn, khoảng hơn 1.500 m2 và 300 m2 đất dành cho giao thông.
Giữa đêm vắng, ánh trăng trên vùng đất cát Đức Phổ, chúng tôi ngồi yên lặng gần bệnh xá Đặng Thùy Trâm, trong một ngôi nhà tranh nhỏ của người dân vùng đất còn khó nghèo nơi đây. Đêm yên bình lạ thường, giữa cái nơi mà trước đây là vùng giao tranh kịch liệt giữa quân đội Giải phóng, quân du kích với quân đội viễn chinh Mỹ. Nơi trước đây là chiến trường ác liệt, thì giờ đây cuộc sống bình yên đã ngự trị trên vùng đất này.
Nhiều thanh niên đến từ các nơi thắp hương trước tượng nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm. |
Đêm! Chỉ nghe thấy tiếng côn trùng rỉ rả, thi thoảng là tiếng động cơ của những chuyến xe bắc nam vượt qua đêm tối hay những chuyến tàu thống nhất nổi những hồi còi xé tan mà đêm. Chúng tôi ngồi lại bên nhau, cùng những y bác sỹ tuổi đời còn rất trẻ của bệnh xá Đặng Thùy Trâm, vừa ôn lại những chiến tích hào hùng nơi vùng đất này, vừa đọc lại những dòng nhật ký của người nữ bác sỹ anh hùng thủa nào. Ánh lửa đêm bập bùng soi trên những khuôn mặt bỗng chợt thấy thân thương lạ lùng. Bệnh xá Đặng Thùy Trâm mang một chút kiến trúc Tây Nguyên với những mái cao và cong vút, ẩn hiện với mây trắng, và cũng mang một chút kiến trúc của nông thôn vùng biển nơi đây. Đây là nơi được thiết kế vừa để khám, chữa bệnh cho người dân, vừa có khu triển lãm, tưởng niệm, thư giãn để thu hút khách du lịch. Khu bệnh xá có lối đi riêng, mái che với nhiều chỗ nghỉ ngơi, thư giãn, các tầng với các khu khám bệnh, xét nghiệm, khu bệnh nhân nội trú, vườn thuốc nam... được bố trí hợp lý. Khu truyền thống có lối đi riêng, với tượng anh hung liệt sỹ, bác sỹ đặng thùy trâm đứng sừng sững. Toàn bộ mặt tiền được che kính trong suốt, bố trí tượng, hình ảnh, kỷ vật… để tái tạo không gian khu bệnh xá xưa. Những bức tượng điêu khắc trong khuôn viên là các điểm nhấn thú vị của công trình. Khu thư giãn được bao bọc bởi cây xanh, hồ sen, tạo nét đặc trưng cho công trình.
Hiện tại, bệnh xá Đặng Thùy Trâm đang có 15 y, bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ đa khoa, 10 giường bệnh và các thiết bị khám chữa bệnh như máy siêu âm, máy điện tim và các thiết bị khác, đủ khả năng khám chữa các bệnh nội khoa, sản khoa, siêu âm, điện tim... cho nhân dân 4 xã phía nam huyện Đức Phổ là Phổ Châu, Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Cường. Nhiều bệnh nhân nghèo ở các xã phía bắc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cũng được điều trị tại trạm xá này. Tuy chỉ là trạm y tế ở cơ sở nhưng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh xá Đặng Thùy Trâm luôn chật kín. Điều này không chỉ góp phần giảm bớt áp lực quá tải cho y tế tuyến trên mà còn giảm đáng kế chi phí cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo. Việc khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng cũng là một tiêu chí quan trọng trong hoạt động của bệnh xá tại đây. Ngoài việc khám chữa bệnh, các y bác sỹ ở đây còn làm công tác dự phòng, nhất là trong những đợt cao điểm về bệnh dịch, các y bác sỹ phải đến từng thôn làng, vào từng hộ gia đình để tuyên truyền, giới thiệu cho người dân biết cách phòng chống dịch bệnh.
Phòng truyền thống của bệnh xá luôn rộng mở để đón khách và người dân đến tham quan. |
Bác sỹ Nguyễn Thành Hiếu, phó Trưởng bệnh xá tâm sự : “Chúng tôi là thế hệ sau chị Đặng Thùy Trâm, thấu hiểu cuộc chiến đấu ngoan cường của dân Phổ Cường và các đơn vị quân chủ lực trên quê hương mình cũng như bao nhiêu người khác, rằng có chiến tranh là có mất mát, đau thương…mỗi người dân trên quê hương Phổ Cường chúng tôi càng hiểu hơn rằng để có được bình yên ngày nay, chúng ta đã mất mát biết bao nhiêu. Tự trong sâu thẳm tâm thức, chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức để không phụ lòng những con người tuyệt vời đã ngã xuống trên mảnh đất thân yêu này!”.
Đã có những người con ưu tú, từ những nơi xa, rất xa, đến đây, chiến đấu vì quê hương Phổ Cường, và nhiều người con Phổ Cường xa quê hương lâu ngày cũng đã lần lượt trở về, thăm lại Bệnh xá chị Trâm trên núi, muốn làm một việc gì đó để góp phần cho quê hương đổi mới hơn… không chỉ riêng với người dân xã Phổ Cường mà cả với huyện Đức Phổ, họ liên tục đón hết niềm vui này đến niềm vui khác khi ngày nào cũng có khách phương xa đến thăm bệnh xá, tìm hiểu về chuyện chị Trâm. Nhiều sự kiện, nhiều đoàn thanh niên, học sinh và khách tham quan đã đến đến giao lưu, học tập để cùng tiếp nối ngọn lửa tuổi hai mươi…
Bác sỹ Nguyễn Thành Hiếu đang khám bệnh cho một bệnh nhân nội trú. |
Bạn Thái Tiến Dũng quê nghệ an, là một sinh viên tâm sự: “Chắc hẳn trong mỗi người sau khi đến đây sẽ lưu giữ lại những kỷ niệm, những tâm trạng không thể diễn tả được. những người trẻ như chúng tôi rất xúc động, và cảm phục những con người đã vượt qua biết bao khó khăn, sống giữa bom đạn để sống, để hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc như chị Trâm, anh Giá và những con người vô danh nơi đây! Chúng tôi thật sự phải nghiêng mình kính cẩn trước những tấm gương anh hung bình dị ấy!”…
Rời bệnh xá trong một buổi sớm mai đầy nắng, các y bác sỹ nơi đây đang tất bật với những công việc đầu tiên trong ngày. Trong nắng mới, các bệnh nhân với những khuôn mặt rạng rỡ hơn tin tưởng vào cuộc sống như niềm tin tưởng của những con người đã ngã xuống trên mảnh đất này, cho một tương lai bình yên vĩnh viễn.
Bài và ảnh: Bùi Hữu Cường