Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tham dự lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân kiểu mới và tuyên bố rằng đây sẽ là một trong những “phương tiện tấn công dưới nước chính của lực lượng hải quân”. Con tàu được cho là sẽ thuộc về hạm đội tuần tra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Tàu ngầm số 841 được đặt theo tên anh hùng Kim Kun Ok, một nhân vật lịch sử của Triều Tiên - đã được hạ thủy trong sự chú ý lớn vào hôm 6/9/2023, nó có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân chiến thuật để “tấn công phủ đầu và trả đũa các nước thù địch”, ông Kim tuyên bố.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên dẫn lời nhà lãnh đạo: “Lễ hạ thủy sẽ mang lại gánh nặng cho kẻ thù của chúng ta không kém gì việc chế tạo một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân”.
Tàu ngầm hạt nhân số hiệu 841 của Hải quân Triều Tiên trong lễ hạ thủy. |
Mặc dù vậy, ngay cả khi ông Kim Jong Un đề cao khả năng của chiếc tàu ngầm, các nhà phân tích vẫn hạ thấp tầm quan trọng của nó.
Một nhân vật giấu tên tại Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thậm chí còn bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động bình thường của phương tiện này.
Nguồn tin nói với hãng thông tấn Yonhap: “Phân tích về các đặc điểm bên ngoài của tàu ngầm Triều Tiên cho thấy các bộ phận của nó đã được mở rộng để mang tên lửa. Tuy nhiên nhiều khả năng con tàu không ở trạng thái có thể hoạt động bình thường”.
Các nhà phân tích phương Tây cũng nhận định đây thực chất là tàu ngầm diesel lớp Romeo cải tiến từ thời Liên Xô, được Bình Nhưỡng mua lại từ Trung Quốc vào những năm 1970 và bắt đầu sản xuất tại chỗ.
Phiên bản mới này có thể có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, nhưng sẽ không mang lại bất kỳ giá trị nào cho lực lượng hạt nhân trên đất liền của Triều Tiên, vì đây là lớp tàu ngầm cũ rất ồn ào, chậm chạp và có tầm hoạt động hạn chế.
Hạm đội tàu ngầm Triều Tiên mặc dù lạc hậu nhưng có số lượng rất đông đảo. |
Theo Sáng kiến Răn đe hạt nhân, Triều Tiên duy trì một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, với ước tính quy mô hạm đội dao động từ khoảng 64 đến 86 tàu ngầm - bao gồm cả tàu ngầm ven biển (SSC), tàu ngầm thông thường (SS) và tàu ngầm mini (SSM).
Trong khi hạm đội tàu ngầm của Bình Nhưỡng chủ yếu bao gồm những chiếc cỡ nhỏ, hoạt động ven biển, thích hợp cho các nhiệm vụ phòng thủ, xâm nhập và gián điệp, còn những tàu ngầm lớn hơn của nước này lại dựa trên thiết kế của Liên Xô từ nhiều thập kỷ trước, Triều Tiên đã phải rất cố gắng nâng cao năng lực tàu ngầm của mình.
Ngay cả những tàu ngầm diesel nhỏ hơn hoạt động gần bờ và có thủy thủ đoàn dưới 30 hoặc 40 người cũng được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hàn Quốc.
Vào tháng 9 năm 1996, Triều Tiên đã dùng tàu ngầm mini đưa 3 binh sĩ đặc nhiệm tới gần thành phố Gangneung và gây xôn xao giới truyền thông.
Tác chiến chống tàu ngầm là một lỗ hổng lớn về năng lực của Hải quân Hàn Quốc, và có vẻ như Triều Tiên lại khiến Seoul phải đau đầu khi ra mắt phương tiện tấn công mới.
Tàu ngầm hạt nhân số hiệu 841 của Triều Tiên trong lễ hạ thủy. |