Bình Dương: Yêu cầu người dân không ra đường sau 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau

GD&TĐ - Người dân tỉnh Bình Dương không được ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngưng hoạt động trong khung thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau; bắt đầu thực hiện từ ngày 28/7.

Lực lượng chức năng dừng, kiểm tra phương tiện lưu thông thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực cầu Vĩnh Bình, TP.Thuận An. Ảnh: Báo Bình Dương.
Lực lượng chức năng dừng, kiểm tra phương tiện lưu thông thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực cầu Vĩnh Bình, TP.Thuận An. Ảnh: Báo Bình Dương.

Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Bình Dương ghi nhận 8.830 ca mắc trong cộng đồng và 38 ca tử vong do Covid-19; hiện có 19.317 người được cách ly y tế tập trung và 7.790 đang tự cách ly tại nhà. 

Theo dự báo của ngành y tế, trong 2 tuần tới, số ca mắc Covid-19 ở Bình Dương có thể đạt con số 20.000 ca. Như vậy, khả năng thu dung, điều trị tỉnh Bình Dương sẽ gặp khó khăn. Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 theo phương án tỉnh đề xuất cho 20.000 giường. 

Nhằm tăng cường các biện pháp mạnh mẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả chuỗi lây nhiễm Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp trong thực hiện giãn cách xã hội, giảm mật độ lưu thông của người và phương tiện.​

Theo đó, người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương không được ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngưng hoạt động trong khung thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau; bắt đầu thực hiện từ lúc 18h ngày 28/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Trung tâm TP.Thủ Dầu Một vắng người qua lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Báo Bình Dương.
Trung tâm TP.Thủ Dầu Một vắng người qua lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Báo Bình Dương.

Các trường hợp được phép lưu thông, hoạt động trong khung giờ hạn chế: Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch của cơ quan chức năng và các cán bộ, công chức giúp việc cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp; lãnh đạo các sở, ngành; các cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành.

Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài của tỉnh và của các cơ quan Thường trú của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các nhà thuốc.

Đối với việc đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu: UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai việc phát "phiếu đi chợ" cho từng hộ gia đình, theo ngày chẵn - lẻ hoặc theo khung giờ nhất định, tạo thuận lợi cho các hộ gia đình mua sắm các mặt hàng thiết yếu; giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra nhằm bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ