Bình Định đón nhà khoa học khám phá ra "hạt của Chúa"

GS Francois Englert, nhà khoa học khám phá ra hạt Higgs , còn gọi là Hạt của Chúa, đoạt giải Nobel năm 2013, đến Bình Định dự Hội nghị quốc tế từ ngày 11 đến 17/8 tới.

GS Francois Englert, nhà Vật lý khám phá hạt Higgs đoạt giải Nobel Vật lý năm 2013 cùng phu nhân (trái) đến TP Quy Nhơn dự Hội nghị quốc tế. Ảnh: Đào Tiến Đạt.
GS Francois Englert, nhà Vật lý khám phá hạt Higgs đoạt giải Nobel Vật lý năm 2013 cùng phu nhân (trái) đến TP Quy Nhơn dự Hội nghị quốc tế. Ảnh: Đào Tiến Đạt.

GS François Englert (Bỉ), một trong hai nhà khoa học vinh dự nhận chung giải thưởng Nobel năm 2013 với công trình khám phá hạt Higgs. Ông đến TP Quy Nhơn (Bình Định) tham dự Hội nghị quốc tế do Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức.

Hội nghị có chủ đề “Vật lý học máy va chạm Hadron lớn và xa hơn”, quy tụ 120 giáo sư và nhà khoa học hàng đầu đến từ 25 quốc gia, Giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập Gặp gỡ Việt Nam cho biết.

"Hội nghị chuyên đề này, các nhà khoa học sẽ công bố, chia sẻ tất cả những khám phá mới về Vật lý hạt, thảo luận hiện tượng năng lượng cao trong vũ trụ, đặc biệt phân tích tầm quan trọng của hạt Higgs với đời sống con người", GS Vân nói.

Năm 2013, ông Francois Englert và Peter Higgs (Anh) vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Vật lý với công trình nghiên cứu xác định và phát hiện ra hạt Higgs (còn gọi là hạt của Chúa).

9-8-Anh-2-Nha-Vat-ly-Nobel-6532-14075724

GS Francois Englert trò chuyện thân mật với GS Trần Thanh Vân. Ảnh: Đào Tiến Đạt.

Việc phát hiện ra hạt Higgs, một loại hạt hạ nguyên tử, có thể giúp loài người giải thích nguyên nhân tại sao mọi dạng vật chất trong vũ trụ có khối lượng. 

Không chỉ có ý nghĩa đối với vũ trụ, với hạt Higgs, con người sẽ có thêm nguồn năng lượng mới, giúp tạo nên những thành tựu công nghệ đột phá trong giao thông và viễn thông. Theo các nhà khoa học, nếu không có hạt Higgs thì tất cả các nguyên tử trong vũ trụ này sẽ không tồn tại.

Trước đó, từ ngày 3 đến 9/8, 70 nhà khoa học đến từ 15 quốc gia trên thế giới đã đến Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn (Bình Định) tham dự Hội nghị với chuyên đề "Vật lý thiên văn và Năng lượng cao".

Sau tròn một năm khánh thành, đưa vào hoạt động, Trung tâm ICISE đã trở thành "điểm hẹn" thu hút hàng nghìn nhà khoa học trong nước và quốc tế đến trao đổi, nghiên cứu khoa học. 

Trung tâm này ra đời nhằm phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập cộng đồng khoa học quốc tế. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế trình độ cao.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ