Có những câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong “cổ tích”. Nhưng đó là sự thật, là “cổ tích giữa đời thường” bởi họ - những thầy, cô giáo ngày ngày vẫn lên lớp giảng bài và hết lòng lo cho học trò.
Câu chuyện về thầy hiệu trưởng và là “cha nuôi” của cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể 10 tuổi, nặng 3,9kg, đã để lại nhiều xúc cảm và những dư âm thú vị cho đến hôm nay. Đó là thầy giáo Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi). Tình thầy - trò, cha - con của thầy Cương và K’Rể khiến dư luận cảm phục và trở thành chủ đề “hot” của báo chí cũng như mạng xã hội trong suốt thời gian dài. K’Rể mắc bệnh lạ và được thầy Cương nhận về nuôi ăn học như con đẻ. Thầy chăm chút cho K’Rể từng bữa ăn, giấc ngủ; rồi vào Nam, ra Bắc để chữa bệnh cho K’Rể. Thầy Cương đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường về tình thầy, trò mà ở đó đạo đức, phẩm chất của người thầy thật đáng trân quý.
Câu chuyện của các thầy, cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Thượng (Quan Sơn,Thanh Hóa) đã “chạm” đến trái tim của nhiều người và được cộng đồng chia sẻ, bởi nhiều năm qua, các thầy, cô luôn thức khuya, dậy sớm, tình nguyện nấu cháo ăn sáng cho học trò của mình. Việc làm và hành động đẹp của các thầy cô khiến bà con dân bản cảm động và cho con đi học chuyên cần hơn.
Hay như 46 thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An) đã tình nguyện gieo chữ nơi thâm sơn cùng cốc. Ở nơi này, mỗi khi có việc cần phải liên lạc ra ngoài xã, các thầy phải trèo lên đỉnh núi cao nhất với mong muốn bắt được “sóng rớt” phập phù. 100% học sinh của trường là người dân tộc Mông; nhiều em còn chưa biết nói tiếng phổ thông. Các thầy vừa là giáo viên, vừa là cha, là mẹ, uốn nắn, dạy dỗ đàn con thơ.
Khó có thể kể hết bằng lời về những tấm gương thầy, cô giáo luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Bấy nhiêu câu chuyện cũng là “thay lời muốn nói” về những hy sinh, cống hiến thầm lặng của đội ngũ nhà giáo mà không gì có thể bù đắp được.
Thực tế sinh động trên giúp chúng ta hiểu hơn vì sao nhà giáo luôn là biểu tượng về đạo đức và nhân cách. Cũng từ đó, chúng ta có thể hiểu và thông cảm phần nào về những bức xúc, quan ngại của dư luận xã hội mỗi khi có “hạt sạn” về đạo đức nhà giáo. Vấn đề là chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá khách quan và không vội quy kết. Trước những hành vi vi phạm đạo đức của nhà giáo, chúng ta không bao che, thậm chí cần có thái độ quyết liệt nhưng cũng không nên quấy đục hoặc thổi phồng vấn đề.
Ai cũng biết, nghề giáo là “nghề cao quý trong các nghề cao quý”. Khác với các nghề khác, nhà giáo luôn được mọi người kỳ vọng về các tiêu chuẩn và chuẩn mực giá trị đạo đức. Tin rằng, mỗi nhà giáo không lấy đó là áp lực mà là nguồn động lực để luôn trau dồi và nâng cao phẩm chất, năng lực của mình. Trên hết cần coi đó là nhu cầu tự thân để “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học, tự rèn luyện”.