Xây dựng ma trận nội dung:
Chủ đề ( nội dung) | Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Cộng |
1. Quan hệ quốc tế trong và sau thời kì Chiến tranh lạnh | Nắm được những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn Đông - Tây | Chỉ ra được mối quan hệ Xô- Mỹ thay đổi trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai | ||
Số câu Số điểm Tỉ lệ % | 2/3 2,0 70% | 1/3 1,0 30% | Số câu: 3 Điểm=30% | |
2. Những chuyển biến mới về kinh tế và xã hội ở Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất | Trình bày khái quát được cuộc khai thác thuộc địa lần hai của thực dân Pháp | Rút ra được chuyển biến kinh tế Việt Nam dưới tác động cuộc khai thác thuộc địa | ||
Số câu Số điểm Tỉ lệ % | 1/3 1,0 30% | 2/3 2,0 70% | Số câu: 3 Điểm=30% | |
3. Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1925 | Nêu hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm 1925 | Phân tích được vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam thông qua các hoạt động yêu nước | ||
Số câu Số điểm Tỉ lệ % | 1/2 2,0 50% | 1/2 2,0 50% | Số câu:4 Điểm=40% | |
Tổng số câu Tổng số điểm Tỉ lệ % | 2/3+1/3+1/2 5,0 50% | 1/3+2/3 3,0 30 % | 1/2 2,0 20 % | 3 10 100% |
Biên soạn đề kiểm tra:
Câu 1 (3đ): Trình bày nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn Đông – Tây.
Câu 2 (3đ): Cuộc khai thác thuộc địa lần hai của thực dân Pháp có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Câu 3 (4đ): Nêu những hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm 1925 và rút ra những công lao của người đối với cách mạng Việt nam giai đoạn này.
Gợi ý hướng dẫn trả lời:
Câu 1( 3 điểm)
* Nguyên nhân mâu thuẫn Đông- Tây (3.0đ)
- Sự đối lập về mục tiêu chiến lược giữa hai cường quốc: (1,5đ)
+ Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình an ninh thế giới, bảo vệ thành quả chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới.
+ Mỹ chống phá Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện bá chủ thế giới.
- Ảnh hưởng của Liên Xô, cách mạng dân chủ nhân dân Đông Âu thắng lợi, cách mạng Trung Quốc thành công, chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống thế giới khiến Mỹ lo ngại.(0,5đ)
- Sau chiến tranh, Mỹ trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất, độc quyền vũ khí nguyên tử, muốn thống trị thế giới. (0,5đ)
=> Từ liên minh cùng chống phát xít trong chiến tranh, Liên Xô, Mỹ nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu sau chiến tranh, dần đi vào tình trạng chiến tranh lạnh. (0,5đ)
Câu 2 (3 điểm)
* Khái quát cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam: tiến hành từ năm 1919 đến năm 1929, với qui mô lớn, tốc độ nhanh , số vốn đầu tư nhiều vào các ngành kinh tế Việt Nam, nhiều nhất là vào nông nghiệp.(0,5đ)
* Tác động của cuộc khai thác đến kinh tế Việt Nam:
- Nền kinh tế tiếp tục mở rộng, phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa bao trùm lên nền kinh tế phong kiến Việt Nam. (0,75đ)
- Cơ cấu kinh tế Việt Nam có chuyển biến ít nhiều, song chỉ có tính chất cục bộ ở một số vùng, phổ biến trong tình trạng lạc hậu, nghèo nàn.(0,75đ)
- Kinh tế Đông Dương ngày càng bị cột chặt vào kinh tế Pháp , Đông Dương vẫn là thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.(1đ)
Câu 3: (4 điểm)
* Hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm 1925 (2,75đ)
- 18/6/1919 Nguyễn Ái Quốc gửi tới hội nghị Vecxai bản yêu sách 8 điểm đòi tự do dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt nam.(0,25đ)
- Tháng 7 năm 1920, Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Luận cương giúp Người khẳng định muốn cứu nước và giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản.(0,5đ)
- Tháng 12 năm 1920, Người tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Xã hội Pháp, đứng về phía đa số bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, đồng thời là một trong hững người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.(0,5đ)
-Năm 1921, thành lập Hội liên hiệp thuộc địa ở Pari, xuất bản báo “ Người cùng khổ”, người còn viết nhiều bài cho các báo Nhân đaọ, Đời sống công nhân và đặc biệt là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”...(0,25đ)
- Tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị quốc tế nông dân, vừa nghiên cứu, học tập, vừa viết bài cho báo Sự thật, tập san Thư tín quốc tế.
Tại đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, người trình bày lập trường quan điểm của mình về vị trí chiến lược của cách mạng các nước thuộc địa, mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân ở các nước thuộc địa.(0,5đ)
- Ngày 11/11/1924 Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu ( Trung Quốc), mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ.Người lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã để tổ chức thành nhóm Cộng sản đoàn(2/1925).
- Tháng 6/1925 nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, với cơ quan ngôn luận là báo Thanh niên.(0,5đ)
- Trong thời gian hoạt động ở Quảng Châu, ngày 9/7/1925 Nguyến Ái Quốc đã cùng một số nhà yêu nước Triều Tiên, Inđônêxia... lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông nhằm liên lạc với các dân tộc bị áp bức cùng làm cách mạng đánh đổ đế quốc.(0,25đ)
* Công lao của Người đối với cách mạng Việt Nam (1,25đ)
- Tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, con đường cách mạng vô sản, bước đầu giải quyết khủng hoảng về đường lối và giai cấp cách mạng.
- Chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Với việc vận dụng qui trình biên soạn đề kiểm tra vào một tiết kiểm tra cho học sinh chuyên sử như trên, cô Linh cho biết đã lựa chọn phương pháp kiểm tra theo hình thức tự luận nhằm đánh giá năng lực sáng tạo của học sinh trong cách trình bày, lập luận và phát biểu ý kiến của mình.
“Trong cách biên soạn đề kiểm tra, tôi cố gắng khắc phục tình trạng thiên về kiểm tra ghi nhớ kiến thức, đảm bảo sự cân đối các yêu cầu kiểm tra với ba cấp độ nhớ, hiểu, vận dụng, hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá kết quả học tập, rèn luyện năng lực tự học và tư duy độc lập.
Sau khi thực hiện tiết kiểm tra bằng cách vận dụng qui trình biên soạn đề kiểm tra, thiết lập ma trận đề kiểm tra theo phương pháp mới và sau khi chấm điểm, trả bài cho học sinh, 100% học sinh làm được bài, có 7/24 em đạt điểm khá, 17/24 đạt điểm giỏi, không có học sinh bị điểm trung bình.
Thông qua kết quả kiểm tra, có thể khẳng định vận dụng qui trình biên soạn đề kiểm tra là một trong nhiều khâu nhằm đổi mới kiểm tra đánh giá để đổi mới phương pháp dạy học” – cô Tống Lê Mỹ Linh chia sẻ.