Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, Khoa Lão khoa – Cơ xương khớp của cơ sở y tế này vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhân bị biến dạng các khớp ngón tay, bàn chân do viêm khớp dạng thấp.
Cụ thể, bệnh nhân Bùi T. N. (65 tuổi, trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) bị đau tăng nhiều khi vận động và về đêm ở các vùng khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, bàn ngón tay và khớp gối hai bên.
Đáng chú ý các khớp khuỷu, khớp cổ tay và bàn ngón tay hai bên đều bị biến dạng như “lưng con lạc đà”, sưng nề nhiều ở phía mu, khó gấp duỗi, các ngón lệch trục về phía xương trụ, biến dạng tạo thành ngón tay hình cổ cò.
Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng viêm khớp dạng thấp thể nặng, giai đoạn biến chứng, điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính gặp phổ biến ở nữ và trong độ tuổi trung niên từ 35-60 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay chưa được khẳng định một cách chắc chắn nhưng nhiều nghiên cứu y khoa xác định cơ chế bệnh sinh do miễn dịch.
Bệnh thường gây ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể đặc biệt các khớp nhỏ, nhỡ như khớp cổ tay, bàn ngón tay, khớp liên đốt gần bàn tay. Tuy nhiên bệnh cũng có thể khởi phát ở 1 khớp lớn như khớp gối, khớp vai, khớp khuỷu.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường gặp các triệu chứng như sưng đau khớp, đau tăng nhiều về đêm, buổi sáng thường có cứng khớp kéo dài trên 30 phút.
Bàn tay, bàn chân của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bị biến dạng nặng nề. Ảnh: BVCC |
BS CKI Nguyễn Xuân Thủy – Phụ trách vị trí Phó Trưởng Khoa Lão Khoa - Cơ xương khớp cho biết: “Viêm khớp dạng thấp nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng tại khớp và ngoài khớp ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng vận động, sinh hoạt hằng ngày như: Sưng đau khớp, tổn thương sụn khớp, xương dưới sụn và phần mềm quanh khớp không hồi phục kể cả khi đã điều trị tích cực dẫn đến biến dạng khớp không hồi phục.
Ngoài ra, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như tổn thương thanh quản, viêm màng phổi, viêm màng ngoài tim, mắt (đau mắt, khô mắt, mắt đỏ), da (xuất hiện hạt dưới da), mạch máu (tăng nguy cơ xơ cứng, tắc nghẽn mạch máu)… Do đó, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần được chẩn đoán sớm, điều trị tích cực, đúng phác đồ trước khi các tổn thương sụn, tổn thương xương diễn ra để hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.
Ngày nay, ngoài việc sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau để kiểm soát tình trạng viêm màng hoạt dịch trong viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân còn được sử dụng thêm các thuốc chống thấp khớp cơ bản, thậm chí có thể sử dụng các thuốc sinh học để kiểm soát tốt tình trạng viêm màng hoạt dịch dẫn đến tăng rất nhiều hiệu quả điều trị bệnh".
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không tự ý uống và tiêm bất cứ loại thuốc nào vào vùng đau của khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhận không tự ý dừng thuốc hoặc lựa chọn sản phẩm hỗ trợ như các bài thuốc dân gian, đông y chưa được kiểm chứng; không lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm. Người bệnh nên ăn uống đủ chất, có chế độ sinh hoạt hợp lý, rèn luyện cơ thể, kiểm soát cân nặng đều đặn nhằm tránh biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ; khám bệnh định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khoẻ.