Biến chủng Lambda đã lây lan trên 40 quốc gia, có khả năng kháng vắc xin Covid-19

GD&TĐ - Biến chủng Lambda xuất hiện gần đây đã lan rộng đến trên 40 quốc gia, làm gia tăng tử vong và đặc biệt có khả năng kháng vắc xin Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 11/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch Covid-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và làm gia tăng tử vong tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Đông Nam Á.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta.

Bên cạnh đó, biến chủng Lambda xuất hiện gần đây đã lan rộng đến trên 40 quốc gia; cũng làm gia tăng tử vong và đặc biệt có khả năng kháng vắc xin Covid-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8/2020. Kể từ khi xuất hiện, biến chủng này được ghi nhận trong phần lớn số ca nhiễm mới ở Peru. Sau đó, Lambda lây lan nhanh ở các khu vực Nam Mỹ (Chile, Ecuador, Argentina, Brazil) ...

WHO đang liệt kê Lambda là "biến chủng đáng quan tâm" thay vì "biến chủng đáng lo ngại". Tuy vậy, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản chỉ ra rằng, biến chủng Lambda dường như dễ lây lan và có khả năng kháng vắc xin hơn nếu so với chủng virus ban đầu phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019.

Các nghiên cứu chỉ ra, Lambda mang 2 đột biến T76I và L452Q có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2. Ngoài ra, nó còn mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa sau khi nhiễm và sau khi tiêm các loại vắc xin.

Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về việc liệu Lambda có nguy hiểm hơn biến chủng Delta hay không, tuy nhiên nhà nghiên cứu Kei Sato từ đại học Tokyo cảnh báo Lambda "có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng với xã hội loài người".

Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường.

Đặc biệt, dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số ca mắc rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

"Khả năng tác động, bùng phát của dịch bệnh đã có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt như trong thời gian qua" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ