Tối 29/3, Kevin Robert Frost - CEO của quỹ amfAR - gửi thông cáo về việc vợ chồng Chân Tử Đan bị xua đuổi, kỳ thị khi tham gia tiệc từ thiện của quỹ tại Hong Kong.
"Chúng tôi vô cùng tiếc vì trải nghiệm không vui vẻ của gia đình ông Chân Tử Đan tại buổi tiệc, khiến họ thấy không được tôn trọng. Tôi chân thành mong có cơ hội hợp tác với gia đình ông Chân Tử Đan đồng thời sẽ học hỏi, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện khâu tổ chức", bản thông cáo viết.
Gala từ thiện amfAR là sự kiện thường niên do Quỹ hỗ trợ các nghiên cứu phòng chống AIDS (trụ sở chính ở Mỹ) tổ chức.
CEO cho hay hơn 20 năm qua, quỹ amfAR nỗ lực cải thiện cuộc sống của cả phụ nữ, nam giới và trẻ em mắc bệnh AIDS, với tiêu chí công bằng, công tâm. Ban tổ chức không chấp nhận mọi hành vi kỳ thị, không tôn trọng người khác.
Trên On, Chân Tử Đan và Uông Thi Thi cho hay đã nhận được thông cáo trên và thư xin lỗi của chủ tịch ban tổ chức amfAR. "Chúng tôi tiếc nuối vì những điều không hay xảy ra lần này. Mong sau này chúng ta càng cư xử chân, thiện, mỹ với nhau", Tử Đan nói.
Trước đó, vợ chồng Chân Tử Đan chỉ trích ban tổ chức amfAR làm việc không chuyên nghiệp, gây hỗn loạn ở sự kiện. Gia đình anh bị một số người nước ngoài xua đuổi, kỳ thị.
Uông Thi Thi bày tỏ sự tức giận trên trang cá nhân và viết: "Người Trung Quốc không phải Đông Á bệnh phu". Đây là câu thoại nổi tiếng của Lý Tiểu Long trong Tinh Võ Môn (1972). Trong phim, Lý Tiểu Long dũng cảm chống lại những kẻ sỉ nhục người Trung Quốc để chứng minh dân tộc anh không yếu ớt, hèn nhát.
Những ngày qua, sự việc của Chân Tử Đan dấy lên nhiều bàn tán trên Weibo. Bên cạnh sự bênh vực, không ít ý kiến cho rằng anh nêu vấn đề "người Trung Quốc bị kỳ thị" nhằm lấy lòng khán giả nước này khi sắp ra mắt phim Diệp Vấn 4. Bởi sau sự kiện Dolce & Gabbana sỉ nhục Trung Quốc năm 2018, vấn đề chủng tộc, tự tôn dân tộc nhận được quan tâm lớn.